Bà Đàng cho biết nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác ca khúc CĐXEĐ cuối những năm 1960. Châu Kỳ viết nhạc, nhà thơ Hồ Đình Phương viết lời. Cũng xin mở ngoặc: Phần lớn trong 300 ca khúc của Châu Kỳ đều được Hồ Đình Phương viết lời. Tên của đôi bạn tri kỷ này gắn liền như “cặp đôi” nhạc sĩ nổi tiếng Đoàn Chuẩn - Từ Linh thời tiền chiến, hay cặp đôi soạn giả cải lương Hà Triều - Hoa Phượng trước năm 1975. Bà Đàng kể: Khoảng năm 1967-1968, nhà thơ Hồ Đình Phương và bà cùng làm việc ở Nhà máy giấy Tân Mai, Biên Hòa. Sau lưng nhà máy có một con đường mòn nhỏ nối liền nơi nghỉ trưa của công nhân và khu làm việc. Nhà thơ Hồ Đình Phương bấy giờ là phó giám đốc, từ văn phòng nhìn ra, ông cảm hứng viết nên những ca từ Con đường xưa em đi/ Vàng lên mái tóc thề/ Ngõ hồn dâng tái tê...Bà Đàng kể tiếp: Năm 2007, sức khỏe nhạc sĩ Châu Kỳ đã yếu nhiều, vợ chồng nhạc sĩ quyết định sửa vài ca từ trong bàiCĐXEĐ để bài hát dễ phổ biến. Bài hát được sửa hai chỗ: từ “chiến trường” trong câu “chiến trường anh bước đi” sửa thành “lối mòn” anh bước đi; từ “phiên gác” canh khuya sửa thành “thao thức” canh khuya. Việc sửa hai ca từ bà chỉ chia sẻ với vài người thân, bạn bè sau khi nhạc sĩ mất. Bà Đàng tâm sự bà không có ý định xin phép ca khúc được cấp phép lại vì thấy phiền phức và rắc rối. “Tôi chỉ mong cơ quan chức năng thấy ca khúc nào của chồng tôi phù hợp thì cho phép lưu hành chứ tôi không muốn xin”, bởi bà tin rằng dù được cấp phép lưu hành hay không thì nó đã đi vào lòng người từ mấy chục năm qua rồi.
Chuyện lùm xùm mấy tuần qua về việc Cục Nghệ thuật biểu diễn tạm ngưng lưu hành, rồi cấm lưu hành vĩnh viễn năm ca khúc nhạc tình bolero sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam, trong có ca khúcCĐXEĐ(nhạc Châu Kỳ - lời Hồ Đình Phương) đã được tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các trang mạng. Đình đám nhất là việc hai ông Nguyễn Lưu và Nguyễn Thụy Kha tham gia diễn đàn báo điện tửVTC News. Ông Kha vốn là nhà thơ nhưng cũng có nghiên cứu âm nhạc gì đó nên vài năm gần đây ông thường xuất hiện trong hầu hết các cuộc bình nhạc, trò chơi âm nhạc. Ông phát biểu: “Việc Cục Nghệ thuật biểu diễn dừng lưu hành năm tác phẩm trên là đúng và dễ hiểu. Đó là những ca khúc ca ngợi người lính trong chế độ trước năm 1975 hiện không còn hiện diện...”.
Trong khi đó, ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương nói về các ca khúc bị cấm như sau: Nếu có xác nhận của tác giả rằng đó là bản gốc, cơ quan quản lý sẽ xem xét. Vậy là việc cấm lưu hành năm ca khúcvì lời bài hát bị sửa chứ không phải như ông Lưu và ông Kha cho rằng cấm là vì các ca khúc đó có tư tưởng ca tụng người lính chế độ cũ. Chẳng có vấn đề tư tưởng gì ở đây, chỉ tư tưởng các ông có vấn đề mà thôi!
Cuối cùng xin trích lời nhà văn Phạm Ngọc Tiến phát biểu trên VnExpress: “Tôi thấy mình cũng cần lên tiếng với tư cách một người lính tham gia chiến tranh. Xưa rồi các vị. Cuộc chiến đã chấm dứt 42 năm...”. Khi đề cập đến câu hỏi của Nguyễn Lưu “Con đường xưa anh đi (viết đúng là em đi)là con đường nào?”, Phạm Ngọc Tiến viết: “Tôi thấy sự ấu trĩ tiểu khí của ông Nguyễn Lưu... Tôi chỉ thấy đây là một bản tình ca đẹp. Rất đẹp. Con đường nào ư? Chính tôi là một người lính trong cuộc chiến cũng không bao giờ cần biết nó là con đường nào”.