Theo đó, bà Kha Thị Đàng là vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ hiện đang sinh sống cùng gia đình ở TP.HCM. Bà Đàng cho biết từ khi ca khúc “Con đường xưa em đi” bị cơ quan quản lý văn hóa tạm dừng lưu hành cho đến khi có thông tin bài hát này sẽ bị cấm vĩnh viễn, bà và mọi người trong nhà đều biết nhưng không hiểu rõ lý do của việc này.
“Thú thực tôi nghe tin chỉ thấy thoáng buồn nhưng nghĩ mình chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện thế nào nên chưa vội kết luận” - vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ chia sẻ.
Cũng theo bà Kha Thị Đàng, từ thời điểm “Con đường xưa em đi” được cấp phép lưu hành cho tới khi ca khúc trên bị cấm, bà chưa từng gặp gỡ hay trao đổi với ai bên cơ quan quản lý văn hóa về sự việc này và ngược lại.
Bà Kha Thị Đàng và chồng - nhạc sĩ Châu Kỳ.
Xung quanh sáng tác này, vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ tiết lộ một chi tiết hết sức bất ngờ, đó là ca khúc “Con đường xưa em đi” được nhạc sĩ Châu Kỳ viết nhạc trước rồi mới đưa để nhà thơ Hồ Đình Phương viết lời.
“Ông Phương có một cái tài hay lắm, đó là ông Kỳ làm nhạc rồi, ông ấy mới viết lời. Bài này cũng thế, anh Kỳ làm nhạc xong xuôi rồi mới đưa để anh Phương viết lời chứ không phải có lời trước rồi mới phổ nhạc” - bà Đàng nói.
Theo lời kể của bà Kha Thị Đàng, bài “Con đường xưa em đi” được chồng bà - nhạc sĩ Châu Kỳ có cảm hứng sáng tác khi cùng vợ đi làm trên con đường mòn. Tựa đề ca khúc “Con đường xưa em đi” là do nhà thơ Hồ Đình Phương đặt sau khi viết lời cho bản nhạc này. Vì thế với vợ chồng nhạc sĩ Châu Kỳ cũng như nhà thơ Hồ Đình Phương, ca khúc này là một kỷ niệm của thời tuổi trẻ.
Vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ xác nhận ca khúc “Con đường xưa em đi” được ông sáng tác trước năm 1975, tuy nhiên đến quãng năm 2006-2007 trước khi vị nhạc sĩ già qua đời đã cùng vợ ngồi nghe lại và bàn với nhau chỉnh sửa lại lời để ca khúc này có thể phổ biến rộng rãi đến nhiều đối tượng người nghe hơn.
Bởi lẽ thời điểm khi ca khúc này ra đời là vào trước năm 1975 khi chiến tranh vẫn diễn ra, nếu một số chỗ vẫn giữ nguyên lời như bản gốc thì sẽ không phù hợp với thời bình. Vì vậy, nhạc sĩ Châu Kỳ đã quyết định chỉnh lại một số chỗ cho phù hợp và rõ nghĩa.
Cụ thể là câu “Chiến trường anh bước đi…” thành câu “Lối mòn anh bước đi…” và câu “Nơi đây phiên gác canh dài…” thành câu “Nơi đây thao thức canh dài…”.
Bà Kha Thị Đàng khẳng định bài hát này hoàn toàn là một sáng tác nói về tình cảm lứa đôi chứ hoàn toàn không đưa vấn đề chính trị hay chiến trường vào trong ca khúc.
Nhạc sĩ Châu Kỳ.
“Nói thật cho tới bây giờ, tôi chưa bao giờ đứng ra xin cấp phép ca khúc nào của anh Kỳ hết, toàn mọi người yêu mến và thấy hay thì xin phép nhưng ai làm thì gia đình tôi cũng hoàn toàn ủng hộ vì điều duy nhất anh Kỳ mong muốn khi còn sống là sáng tác của mình đến được và ở lại với mọi người. Tôi còn biết cậu ca sĩ trẻ Trung Quang đoạt giải quán quân cuộc thi "Thần tượng Bolero 2016" từng trình diễn bài này trên sân khấu cuộc thi đó, rồi chương trình "Sol vàng" phát sóng trên sóng VTV9 của Đài Truyền hình Việt Nam cũng từng làm một chương trình về ông Kỳ lấy đúng tên bài hát này làm chủ đề cơ mà” - vợ nhạc sĩ Châu Kỳ thổ lộ.
Khi được hỏi về bản gốc và bản sửa của ca khúc, bà Kha Thị Đàng cho biết do chiến tranh, gia đình bà cũng từng chạy loạn nên bị thất lạc bản gốc, còn bản sửa do chính nhạc sĩ Châu Kỳ chỉnh sửa thì gia đình lại không lưu.
Tuy nhiên, vợ nhạc sĩ Châu Kỳ chia sẻ bà từng viết một cuốn hồi ký có nói về 300 bài nhạc của chồng trước khi ông qua đời có tên gọi “Thi Đàng Kỳ Duyên”. Trong đó, bà cũng viết mấy câu giới thiệu về bài hát “Con đường xưa em đi”. Lý do sự ra đời của cuốn sách này theo bà Đàng là vì: “Tôi nghĩ anh Kỳ sáng tác rất nhiều bài tình cảm và đi sâu vào lòng người, được nhiều khán giả yêu mến đồng hành suốt 60 năm qua nên chỉ mong muốn anh ấy lưu lại được mối tình cảm quý giá ấy thêm 60 năm nữa”.
Chương trình "Sol vàng" phát trên VTV9 vào năm 2016 làm về nhạc sĩ Châu Kỳ từng lấy tên bài hát "Con đường xưa em đi" làm chủ đề.
Trước băn khoăn về việc “Con đường xưa em đi” sẽ bị cấm lưu hành vô thời hạn, bà Kha Thị Đàng cho biết bà cũng như mọi người trong gia đình chưa biết làm thế nào để chứng minh bản sửa ca khúc này do chính nhạc sĩ Châu Kỳ thực hiện vì ông đã qua đời. Vì thế, nếu cơ quan quản lý văn hóa vẫn quyết định cấm thì bà cũng đành chịu.
Liên quan đến vấn đề này, PV báo ANTĐ đã liên hệ với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được NSƯT - nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch hội, cho biết nhạc sĩ Châu Kỳ chưa phải hội viên của hội. Vì thế, Hội Nhạc sĩ Việt Nam rất khó để bảo vệ các quyền lợi liên quan đối với ông. Bởi theo quy định, hội chỉ đứng ra bảo vệ cho các nhạc sĩ là hội viên của hội. Cũng theo NSƯT Phạm Ngọc Khôi, đối với các ca khúc được sáng tác từ cách đây rất lâu thì việc tác giả lưu lại được bản nhạc chép tay là điều rất hiếm. Đại diện Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết thêm công tác lưu trữ tác phẩm nhạc hiện nay chủ yếu thông qua thư viện quốc gia, bản lưu chiểu nộp tại các nhà xuất bản, các bản nhạc đã phát sóng trên đài phát thanh, truyền hình. Về phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), bà Nguyễn Thị Lựu, phụ trách lưu trữ phân phối VCPMC, cho biết năm ca khúc sáng tác trước năm 1975 đang bị Cục NTBD cấm lưu hành, trong đó có “Con đường xưa em đi” đều được các tác giả đăng ký bảo vệ quyền tác giả với VCPMC. “Những ca khúc này được trung tâm bảo vệ về tác quyền cho đến khi Cục NTBD tạm dừng lưu hành” - đại diện VCPMC khẳng định. |
(Theo anninhthudo.vn)