Con gái nhà văn Sơn Nam: 'Ba tôi cưng con và chưa bao giờ biết ngại'

(PLO)- Với con gái nhà văn Sơn Nam, ba trong ký ức của bà là một người thương con, cưng con, dạy bà nhiều bài học quý giá trong cuộc sống và chưa bao giờ biết ngại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong chuyến đi về Tiền Giang nhân 15 năm ngày mất của nhà văn Sơn Nam, phóng viên PLO đã được nghe bà Đào Thúy Hằng, con gái của cố nhà văn Nam Sơn chia sẻ về lần tham gia viết sách về ba của mình cũng như ký ức đẹp về người ba tài hoa.

Nhà lưu niệm Sơn Nam tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Ảnh: VĂN HÀ

Nhà lưu niệm Sơn Nam tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Ảnh: VĂN HÀ

Không có ý định viết và đứng tên trên sách, báo

Trong tác phẩm Sơn Nam- đi và nhớ, bà Đào Thúy Hằng đã tham gia với 16 bài viết chia sẻ về những tình cảm, kỷ niệm ngày tháng sống với ông bà nội và ba.

Hai tác phẩm phát hành nhân dịp 15 năm mất nhà văn Sơn Nam

Hai tác phẩm phát hành nhân dịp 15 năm mất nhà văn Sơn Nam

Theo bà Hằng, đó là những bài viết được bà chia sẻ trên facebook để tưởng nhớ ba của mình và bà như “trên trời rơi xuống” khi được đề nghị đăng các bài viết lên sách.

"Hồi đó tôi tính viết về ba nhiều lắm nhưng lại viết không nổi nên chỉ viết mỗi năm một bài trên facebook.

Nếu viết trước ngày giỗ ba năm bữa, nửa tháng thì tôi lại không có thời gian nên mỗi khi nhớ ba hay các con bác Hai dưới quê gọi lên cho tôi nhắc về ba thì tôi ghi lại những cảm xúc đó. Đến ngày giỗ ba thì tôi lại thêm ý vào để trở thành một bài hoàn chỉnh, sau đó đăng lên facebook của mình để tưởng nhớ ông” – bà Hằng chia sẻ.

Khi những bài viết được đăng tải, các biên tập viên của NXB Trẻ kết bạn chung facebook đã thấy và đề nghị bà cho tập hợp lại những bài đã viết để đưa lên sách nhân kỷ niệm ngày mất của nhà văn Sơn Nam.

"Tôi mới nói bản thân không hề có ý định lên sách báo gì cả chỉ tính viết facebook để đến ngày ba mất ôn lại kỷ niệm chứ còn chuyện in thành sách thì tôi biết mình không đủ sức, không muốn không thích nhưng các bạn biên tập bên NXB Trẻ bảo là các bài viết ổn và để cho tập sách phong phú thì tôi đồng ý.

Bà Đào Thúy Hằng, con gái nhà văn Sơn Nam

Bà Đào Thúy Hằng, con gái nhà văn Sơn Nam

Và tôi cũng nghĩ rằng khi mình viết lên trang facebook thì tôi đã cho mọi người biết được điều đó rồi, giờ in vào sách thì cũng là những chia sẻ đó được đưa vào, có người đọc được rồi và đến khi vào đọc sách họ cũng sẽ thấy lại những bài viết đó nên tôi nghĩ là chuyện bình thường" - bà Hằng cho hay.

"Ba tôi thương và cưng con lắm"

Với con gái nhà văn Sơn Nam, ba đã dạy cho chị em bà rất nhiều bài học nhưng điều bà nhớ nhất từ những lời dạy đó là sự giản dị, sống chân thực, sống bình dân gần gũi với bà con làng xóm.

Bên cạnh đó, bà cũng nhớ thật nhiều những ngày tháng được ba cưng chiều cùng nhiều kỷ niệm khó quên. Bà Hằng cho biết, dù nhà rất nghèo nhưng vì là con đầu lòng nên ba rất cưng chiều mình.

Năm 2 tuổi, bà và má được ba đưa về sống cùng ông bà nội ở miệt thứ sáu. Đó cũng là khoảng thời gian bà được gần gũi với ba nhất.

"Hồi đó ba tôi là cán bộ đi kháng chiến chống Tây, mỗi lần ba tôi về nhà, hỏi thăm ông bà nội mấy câu là ba cũng cõng tôi sang hàng xóm chơi luôn. Tới nhà hàng xóm thì họ nghèo lắm, ba thả tôi ngồi chiếc chiếu cũ, còn ba sang phụ hàng xóm, họ làm gì thì ba tôi làm cái đó.

Họ chẻ củi thì ba tôi chẻ phụ, người ta xay lúa, giã gạo thì ba tôi phụ theo. Trong lúc làm ba tôi hỏi chuyện này chuyện nọ chuyện của người trẻ, người già. Đến trưa, hàng xóm kêu ăn cơm thì ba và tôi lại ngồi vào ăn ngay.

Có khi đang ngủ ba đánh thức tôi dậy ngồi vào ăn luôn và dường như không trưa nào hai ba con ăn cơm nhà ông bà ” – bà nhớ lại.

Sau khi dùng xong bữa trưa, nếu không còn gì nói chuyện thì nhà văn Sơn Nam lại cõng bà xuống xóm dưới. Dù lúc đó dưới miệt mỗi nhà cách nhau gần 500 thước, đường đi cũng khó nhưng ba vẫn cõng bà đi, nhiều lúc đi ngang nhà ông bà nội, ba của bà vẫn không thèm dòm vào nhà dù cả nhà vẫn ngồi trước cửa đợi cơm.

Bà Đào Thúy Hằng cùng ba của mình, cố nhà văn Sơn Nam. Ảnh: NVCC

Bà Đào Thúy Hằng cùng ba của mình, cố nhà văn Sơn Nam. Ảnh: NVCC

"Riết người ta quen ba tôi và biết giờ đó ông sẽ ở lại đó ăn cơm thì tự động họ sẽ nấu thêm gạo thêm thức ăn dù đồ ăn hồi đó nghèo lắm. Má tôi cũng hay nói người ta nghèo quá họ còn không đủ ăn thì anh và con ăn làm gì mà ba tôi vẫn mặc kệ và khi người ta thấy ba tôi thiệt tình quá rồi cũng quen.

Nhưng nhiều lúc họ cũng đãi những món ăn ngon vì trúng lưới, câu được cá lớn mời hàng xóm lại, nói chuyện vui vẻ thì lúc đó xôm tụ hơn nữa" – bà kể.

Trong suốt tuổi thơ của mình, bà Hằng cho biết đi đâu bà cũng được ba ẵm đi cùng trừ trường hợp ra huyện hay ra tỉnh.

"Các cuộc họp làng, xóm lúc nào tôi cũng được ba cõng đi và độc nhất một mình ba tôi cõng con đi họp. Lúc đó, tôi quậy dữ lắm, không còn gì để nghịch thì tôi lại bịt miệng ba lại không cho ba nói trong cuộc họp nữa ba tôi mới giằng tay tôi ra.

Hai ba con cứ giằng co như vậy rồi thành phút giây giải trí cho mọi người ở đó. Khi đó tôi mới nghĩ ba là một người rất cưng con đi đâu cũng bế đi theo và không bao giờ đánh con cả" - bà Hằng bộc bạch.

Không chỉ vậy, với bà Hằng, ba của bà còn có một đặc tính khiến bà nhớ hoài là ông muốn làm gì, thấy cần phải làm là làm chứ ông không sợ mình sẽ bị mọi người chê cười, phê bình…

"Ba tôi về nhà, đi mua than cho má tôi nằm sinh, ông lấy thúng đội lên đầu như người Khơ me.

Đi từ nhà đến nơi bán than khoảng 3 cây số, một tay ba vịn thúng một tay ba hút thuốc đi trên đường, ba mặc quần áo không cần sửa, cũ mèm vì lội ruộng dính phèn ba vẫn đi phất phơ không sợ người ta cười, đi trên đường gặp ai ba cả cũng chào và không hề mắc cỡ.

Rồi sau này về Mỹ Tho ba được má tôi may cho bộ Pyjama trắng coi cũng sạch sẽ đeo kiếng cận nhưng nhà hết nước tương, dầu lửa bà liền bảo để mình đi mua xách chai nước mắm đi trên đường gặp ai cũng chào, cười cười rồi gãi đầu. Hàng xóm cũng kêu ông này ngộ thậm chí là kêu ba bị tâm thần vì lâu lâu gãi đầu cười" – bà tâm sự.

15 năm nhà văn Sơn Nam rời xa cõi tạm, trong tâm trí con gái cố nhà văn vẫn còn những kỷ niệm buồn, những câu chuyện khó chia sẻ với bạn đọc nhưng điều bà cảm thấy vui, biết ơn vì đã có một khoảng ký ức thật đẹp về ba mình cùng những bài học quý giá trong cuộc sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm