Còn gần 500 tàu, thuyền nằm trong vùng nguy hiểm của bão Conson

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua, bão Conson đã vào Biển Đông trở thành cơn bão số 5.

Dự báo đến 7 giờ ngày 11-9, bão sẽ nằm trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, là thời điểm sẽ có gió mạnh nhất, có thể đạt cấp 11, giật cấp 13. Trong 48-72 giờ tiếp theo bão sẽ di chuyển rất chậm, như vậy quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh và kéo dài.

Còn gần 500 tàu thuyền trong vùng nguy hiểm

Theo thông tin từ Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, trên biển vẫn còn gần 500 phương tiện hoạt động ở khu vực theo hướng di chuyển của bão, tập trung chủ yếu ở quần đảo Hoàng Sa.

Các phương tiện này chủ yếu là của ngư dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Quảng Ngãi.

Vẫn còn nhiều tàu thuyền đang hoạt động trong hướng di chuyển của bão Conson. 

"Các phương tiện đều đã nắm được thông tin cảnh báo của Bộ đội biên phòng và đang di chuyển thoát khỏi hướng di chuyển của bão. Một số đang di chuyển xuống phía nam, một số di chuyển vào bờ" - Đại tá Hưng thông tin.

Văn phòng Ủy ban quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết đến sáng nay, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã có công điện chỉ đạo các cơ quan đơn vị sẵn sàng hơn 500 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ và hơn 2.000 phương tiện để ứng phó với bão Conson trong mọi tình huống.

Tại cuộc họp, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, cho biết số lượng tàu thuyền đang tập trung ở khu vực nguy hiểm khá lớn, đề nghị Bộ đội biên phòng cùng các địa phương phải tăng cường kêu gọi tránh bão, tránh tình trạng như năm 2020 bị mất tích 2 tàu với 23 ngư dân do chủ quan, di chuyển chậm khi trú tránh bão.

Cần hướng dẫn cụ thể về sơ tán dân trong "vùng đỏ"

Trên đất liền, ông Trần Quang Hoài cũng yêu cầu phải sẵn sàng các phương án như đã bàn, đó là việc chằng chống nhà cửa, sơ tán dân.

"Hiện nay chúng tôi đã tổng hợp tất cả các địa phương, khu nào có F0, F1 và chúng ta sơ tán thế nào. Sau buổi họp hôm qua, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công văn khẩn gửi Bộ Y tế đề nghị hướng dẫn việc phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch COVID-19.

Chúng tôi đã xem sơ bộ bản thảo hướng dẫn của Bộ Y tế thì hiện nay vẫn còn trống khu vực vùng đỏ, khu vực "ai ở đâu ở yên đó" chưa có hướng dẫn cụ thể về phòng chống thiên tai khu vực này" - ông Hoài nói.

Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp. Ảnh: AH

Ông Nguyễn Huy Minh, đại diện Bộ Y tế cho biết Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Y tế đã tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành công điện gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố khu vực Bắc bộ, Trung bộ, khu vực miền núi, các cơ sở y tế trực thuộc trong khu vực.

"Về ý kiến của đồng chí Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong công điện của Bộ Y tế đã hướng dẫn đối với các khu vực vùng đỏ phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng" - ông Minh nói. 

Theo đó, với khu vực sơ tán dân, các khu vực cần sơ tán tránh trú cho nhân dân, cần rà soát, sàng lọc, test nhanh để tách F0 ra khỏi cộng đồng trong quá trình tổ chức sơ tán và tại khu sơ tán tránh trú của nhân dân. Các đối tượng có nguy cơ cao phải tách riêng.

Tại khu sơ tán phải đảm bảo thực hiện 5K tốt nhất có thể, bảo đảm dự trữ đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn cho người dân, lực lượng chức năng tại khu vực sơ tán, tránh trú…

Đối với các cơ sở đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19, các khu cách ly, khi sơ tán cũng phải bảo đảm những quy định, hướng dẫn để phòng chống dịch của Bộ Y tế.

Theo báo cáo, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương ven biển như Thái Bình 1 ca (Thái Thụy); Nam Định 14 ca (Hải Hậu), Ninh Bình 1 ca (Kim Sơn); Thanh Hóa 33 ca (Nga Sơn); Nghệ An khoảng 200 ca (Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Cửa Lò, Nghi Lộc). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm