Con hát, mẹ khen hay, dư luận ngán!

Trường hợp của một thí sinh trong tập 7 cuộc thi Vietnam’s Got Talent là một kinh nghiệm đáng bàn.

Ba ngày qua, phần trình diễn của thí sinh LNQA trong tập 7 của chương trình Vietnam’s Got Talent phát sóng trên kênh VTV3 tối 12-2 đã tạo ra cơn bão trên các diễn đàn mạng với hàng chục ngàn lời bình luận theo nhiều hướng trái chiều. Hôm đó, trong phần tự giới thiệu, thí sinh này và phụ huynh rất tự tin về khả năng hát sáu ngôn ngữ khác nhau nhưng phần thi của em lại bị ban giám khảo (BGK) đánh rớt. Bị sốc với kết quả này, mẹ em “cướp diễn đàn” liên tục khen con. Nhiều cư dân mạng bình luận trên các trang YouTube, Facebook… rằng em hát không hay như những lời có cánh mà gia đình em ca ngợi như: “giọng ca đỉnh của đỉnh”, “giọng ca cháu thừa hưởng từ ông bà và cả bố mẹ nữa. Bố mẹ em đã từng đạt huy chương vàng toàn quốc trước đây”, “cháu hát hay hơn khối thí sinh khác, không mắc lỗi nào mà sao bị BGK đánh trượt, không tâm phục khẩu phục”…

Điều dư luận bức xúc không phải việc thí sinh ca hay hay dở mà chính là sự tự tin thái quá của gia đình em. Vấn đề đặt ra là ai cũng có kỳ vọng, ai cũng lạc quan vào khả năng của con em mình nhưng làm thế nào để đánh giá đúng mức vào khả năng con em mình và biểu thị điều đó như thế nào cho phù hợp. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia tâm lý giáo dục xung quanh sự việc này.

Con hát, mẹ khen hay, dư luận ngán! ảnh 1

ÔngNGUYỄN THÀNH NHÂN, chuyên gia Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á-Thái Bình Dương:

Không nên tự xem con mình là số 1

Tự tin không bao giờ xấu nhưng sự tự tin quá đà sẽ gây phản ứng ngược. Khi ấy sự tự tin sẽ trở thành sự xem thường người khác.

Trước khi hát, với sự tự tin, thí sinh này đã giới thiệu sơ nét về mình, những khả năng, tài năng của bản thân… phần giới thiệu ấy đã thu hút được sự chú ý của người xem và BGK. Cho đến khi khả năng em thật sự bộc lộ, BGK đành ngắt lời và đưa nhận xét. Cả ba thành viên BGK đã nhận xét rất đúng mực, không có câu nào làm tổn thương em; chỉ khuyến khích em tập luyện thêm và giọng hát sẽ trưởng thành theo thời gian. Thế nhưng việc mẹ em phản ứng với BGK trước hàng ngàn khán giả đang theo dõi chương trình đã vô tình gây áp lực cho em, đã làm ảnh hưởng đến em mà không hề hay biết. Em có thể từ tự tin chuyển sang thái cực tự ti, mặc cảm, nhút nhát rất nhanh; chưa kể bị bạn bè gièm pha; điều này sẽ ảnh hưởng đến em, đặc biệt là khi em đang ở tuổi 15, lứa tuổi vô cùng nhạy cảm.

Để tránh cho đứa trẻ rơi vào trường hợp này, cha mẹ cần đánh giá đúng, định hướng cho con cái, không phải thấy con mình hát hay thì cho là số 1, phải đoạt giải này giải kia hay hướng trẻ phát triển theo ý mình, vô tình gây áp lực cho trẻ và khi ai đó phản ứng ngược lại với mong đợi của mình thì chỉ trích họ. Việc này sẽ khiến trẻ bị khủng hoảng tâm lý từ dư luận.

TS giáo dục THẠCH NGỌC YẾN, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM:

Cha mẹ không thể đứng trên BGK

Điều đáng bàn là phản ứng của mẹ thí sinh trước khán giả truyền hình cả nước. Sự bất bình với phản ứng của mẹ thí sinh đã bùng nổ thành dư luận và ít nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực đến em.

Cha mẹ nào cũng bảo vệ con nhưng phải bảo vệ như thế nào để không ảnh hưởng đến con là cả một nghệ thuật. Dù nhận xét của các thành viên BGK chương trình Vietnam’s Got Talent có đi ngược lại ý chí, ý muốn của gia đình thí sinh thì trước khi phản biện họ cũng cần tham khảo thêm từ giới chuyên môn về âm nhạc. Chương trình nào cũng vậy, BGK đôi khi cũng có nhận xét cảm tính, làm ảnh hưởng đến người thi. Thế nhưng đã xác định là cuộc chơi chúng ta cũng cần phải có những ứng xử phù hợp, chuẩn mực. Nhưng khi thí sinh thi hát thì chuyên môn của mẹ em không thể bằng BGK nên không “được phép” đứng trên BGK.

Trong mọi trường hợp, cha mẹ cần có thái độ bình tĩnh, dè dặt khi phát ngôn trước đám đông về con mình. Khen quá cũng khiến trẻ mắc cỡ, chê quá cũng khiến trẻ mất tự tin, thụ động, mặc cảm…

TS tâm lý họcHUỲNH VĂN SƠN, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM:

Đừng để con ảo tưởng

Việc đánh giá khả năng của người thân vẫn phải dựa trên những nguyên tắc: khách quan, công tâm, chính xác và khoa học. Việc người thân dành sự chủ quan của mình đối với khả năng của con cái là điều đáng thông cảm vì tính vị kỷ, vì sự cảm tính và cả sự động viên trong đánh giá...

Đánh giá con trẻ cần có sự động viên và vẫn phải dựa trên nền tảng của sự nghiêm túc. Không nên khắt khe quá mức nhưng cũng đừng làm cho người thân của mình bị ảo tưởng. Đặc biệt, việc khen tặng quá mức hay sự tung hô có thể dẫn đến sự huyễn hoặc hay ảo tưởng... Lẽ đương nhiên, đánh giá năng khiếu còn đòi hỏi phải dựa trên những tiêu chuẩn đích thực của nó. Đánh giá một năng lực phải dựa trên nền tảng của khả năng đích thực... trong một hoạt động cụ thể.

Cũng cần ứng xử tinh tế với sự thất bại hoặc chưa thành công của con mình, giúp trẻ hiểu và phấn đấu... Có lẽ đó là lúc cho trẻ động lực mới, hướng đến những cơ hội mới và chinh phục những mục tiêu mới...

Thật tội cho cháu!

Xem tiết mục biểu diễn của cháu, tôi thấy thật sự cháu cũng có năng khiếu nhất định. Tuy nhiên, để trở thành tài năng cần phải rèn luyện, học tập nhiều hơn nữa. Vấn đề ở đây là do sự giáo dục không đúng từ phía gia đình: mù quáng, tự đề cao quá mức… làm cho cháu bị nhầm lẫn. Một điều đáng trách nữa là cả gia đình, mẹ và anh cháu đã khuếch đại một cách thái quá trước cuộc thi, tạo áp lực nặng nề thêm cho cháu.

Với những đứa trẻ thiếu nghị lực, chỉ một lần thất bại như thế có thể ảnh hưởng đến cả tương lai.

UY TRẦN (timkiemtainangviet.com)

Lỗi thuộc về ba mẹ QA rất nhiều. Kiểu dạy dỗ con mà lúc nào cũng tự tâng bốc con thế này có thể giết chết sự trưởng thành của con. Không có con đường nào dễ dàng cả...

nguyenthanhtk52 (youtube.com)

QUỐC VIỆT - DUY TÍNH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm