Con muỗi từ Bình Phước... xuống Bến Tre gây sốt rét?

Chỉ trong vòng hai tuần, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) tiếp nhận ba người lớn mắc sốt rét. Hai ca nặng đã xin về, khó tránh khỏi tử vong. Không chỉ người lớn mắc sốt rét mà trước đó vào tháng 11-2017, có bốn trẻ độ tuổi từ 5 tháng tuổi đến 7 tuổi sống ở Đắk Nông, Bình Phước cũng được chẩn đoán mắc sốt rét điều trị ở BV Nhi đồng 1 và 2 (TP.HCM).

Khó cứu do chẩn đoán muộn

Hai trường hợp nặng xin về nhà ở BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đều nhập viện trong tình trạng bệnh diễn tiến nặng, khó cứu chữa.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân ĐVT (28 tuổi), vừa về Việt Nam một tuần sau khi làm công nhân ở Angola và lưu trú ở Đồng Nai. Khuya 24-11, anh T. vào BV tỉnh Đồng Nai khi sốt run, vàng da, mắt, tiêu phân lẫn máu rồi rơi vào tình trạng mê sảng và được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới với chẩn đoán sốt xuất huyết nặng, suy gan cấp.

Điều trị cho anh T., TS-BS Nguyễn Hoan Phú, Trưởng khoa Nhiễm Việt-Anh, cho biết khai thác dịch tễ thấy bệnh nhân từng lưu trú ở Angola nên đã ngay tức khắc tiêm thuốc điều trị sốt rét thể nặng. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc sốt rét ác tính thể gan thận do ký sinh trùng P.Falciparum khiến suy gan thận, sốc trụy tim mạch.

Mặc dù được BV điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu nhưng diễn tiến bệnh vẫn nặng dần. Đến 5 giờ 30 ngày 26-11, thân nhân xin cho anh T. về nhà trong tình trạng hấp hối. Theo TS-BS Phú, năm 2015-2016 có hai bệnh nhân từ Angola về vào BV Bệnh nhiệt đới trễ và đều tử vong. Cả hai đều được tuyến trước chẩn đoán sốt xuất huyết.

Trường hợp tử vong thứ hai là bệnh nhân VVC (37 tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Bệnh nhân đi làm rẫy tại tỉnh Bình Phước, mới về quê được 15 ngày và vào BV tỉnh Đồng Nai khi sốt cao, rét run từng cơn, vàng da, mắt vào ngày 6-12.

Một trẻ bảy tuổi mắc sốt rét đang được điều trị tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM). Ảnh: H.LAN

Bệnh nhân được BV chẩn đoán sốt rét ác tính, suy đa tạng thể gan, thận. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ được cho uống loại thuốc điều trị sốt rét thể thông thường và chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới.

Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán sốt rét ác tính, biến chứng não, gan, thận, suy hô hấp nặng. Bệnh nhân đã được xử trí cấp cứu, tiêm thuốc, thở máy, lọc máu nhưng diễn tiến bệnh nặng và gia đình xin về ngày 7-12.

Theo lãnh đạo BV tỉnh Đồng Nai, lâu nay BV không có dự trù thuốc sốt rét loại tiêm Artesunate do tỉnh đã thanh toán được bệnh sốt rét. Khi có người mắc bệnh thì sẽ báo trung tâm y tế dự phòng đưa thuốc điều trị cho bệnh nhân và chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới hoặc BV Chợ Rẫy.

Không đi vào vùng dịch tễ vẫn mắc

Hiện tại, khoa Nhiễm Việt-Anh BV Bệnh nhiệt đới đang điều trị cho bà HTNH (55 tuổi, ngụ Châu Thành, Bến Tre). Hai tuần trước, bà H. sốt lạnh run, ho. Bà đến BV tư điều trị, sau đó tụt huyết áp nên ngày 20-11 bà được chuyển vào BV Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) điều trị.

BV đã thử máu và phát hiện bà H. mắc sốt rét thể ác tính, tuy nhiên bệnh nhân không được tiếp cận với thuốc điều trị sốt rét ác tính mà chỉ được truyền máu.

Ngày 23-11, bà H. được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới và được chẩn đoán sốt rét ác tính, thể gan, thận và thiếu máu nặng. Sau hai tuần hồi sức, tiêm thuốc, truyền máu, đến hôm nay tình trạng bệnh của bà đã tạm ổn.

Theo TS-BS Phú, điều đáng lo ngại là bệnh nhân bị ký sinh trùng gen kháng thuốc, may mắn là bà H. được chẩn đoán và chuyển bệnh sớm nên qua nguy kịch.

Tuy vậy, trường hợp mắc bệnh của bà H. khá lạ khi bà chỉ ở nhà làm nội trợ, không đi vào vùng dịch sốt rét lưu hành mà vẫn nhiễm bệnh. Theo lời bà H., hơn một tuần trước có đoàn đám cưới ở Bình Phước ghé nhà bà uống nước nên bà nghĩ có thể con muỗi... đi theo xe từ Bình Phước xuống chích mình.

Từ đầu năm 2017 đến nay, theo thống kê của BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, có 113 bệnh nhân mắc sốt rét, trong đó 19 người mắc thể ác tính và hai người tử vong. 

Không có thuốc ngừa hiệu quả

TS-BS Phú khuyến cáo: Nếu người dân đi vào vùng có sốt rét lưu hành về một tháng trở lại mà bị sốt rét run nên đến cơ sở y tế gần nhất, chủ động khai báo mình đã đi đâu cho nhân viên y tế lưu ý. Cạnh đó, khi ngủ cần sử dụng mùng (màn) tẩm thuốc. Đồng thời thực hiện phun thuốc, hóa chất chống muỗi.

Theo TS-BS Phú, hiện nay không có biện pháp uống thuốc ngừa sốt rét hiệu quả vì các loại thuốc dự phòng trước đây đã bị kháng thuốc. Nếu mắc thể sốt rét ác tính mà không có thuốc kháng sốt rét loại tiêm Artesunate, bệnh nhân sẽ tử vong dù được chẩn đoán đúng và sớm. Do đó cần trang bị đầy đủ loại thuốc này cho các BV tuyến dưới.

3 loại ký sinh trùng sốt rét có ở Việt Nam

Có năm loại ký sinh trùng sốt rét lưu hành trên thế giới, trong đó có ba loại ở Việt Nam là P.Falciparum, P.vivax (ác tính) và P.malariae (ít gặp). Ngoài ra còn ký sinh trùng Ovale (châu Phi) và thế giới mới phát hiện thêm loại Knowlesi. P.Falciparum là ký sinh trùng ác tính, khi mật độ trong máu nhiều sẽ gây tắc nghẽn các vi mao mạch, gây thiếu ôxy cho các mô, gây tổn thương mô như não, gan, thận, phổi… dẫn đến rối loạn tri giác, vàng da, suy thận, suy hô hấp, trụy tim mạch và nhanh chóng tử vong.

Khi mắc sốt rét thể ác tính cần phải được điều trị với thuốc kháng sốt rét tiêm, uống thuốc kháng sốt rét với thể thông thường. Tuy nhiên, với thể thông thường, nếu điều trị trễ, không đúng thuốc, đúng liều… thì cũng sẽ rơi vào ác tính.

TS-BS NGUYỄN HOAN PHÚTrưởng khoa Nhiễm Việt-Anh, 
BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới