Nhà báo Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, nói như trên tại hội thảo “Truyền thông chính sách và xử lý khủng hoảng truyền thông” diễn ra ngày 28-12.
Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển - RED Communication (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - VUSTA) phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí (Cục Báo chí) tổ chức.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn (giữa) phát biểu tại hội thảo.
Cũng theo nhà báo Lê Văn Nghiêm, khi thông tin với báo chí, người phát ngôn còn bị động, phát ngôn chậm, phát ngôn tùy hứng, ngẫu hứng, thiếu chuẩn xác và thậm chí phát ngôn gây sốc.
Bên cạnh đó, có một số cơ quan nhà nước khi ban hành chính sách mới bị người dân phản ứng nhưng khi thông tin lại cho dân, cho báo chí thì lại lúng túng, không kịp thời dẫn đến khủng hoảng truyền thông.
Tại hội thảo, một vấn đề nữa cũng được các diễn giả lưu tâm đó chính là nhiều cơ quan nhà nước vẫn có sự nhầm lẫn giữa “phát ngôn” và “cung cấp thông tin báo chí”.
Theo đó, một số cơ quan cho rằng cơ quan đã có người phát ngôn thì chỉ người đó có tư cách cung cấp thông tin. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, khẳng định lại: Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là hai phạm trù khác nhau. Theo đó, ngoài người phát ngôn có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí thì các cá nhân khác cũng có thể cung cấp thông tin cho báo chí, dù không được ủy quyền phát ngôn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cũng cho rằng: “Người phát ngôn nhân danh cơ quan hành chính nhà nước phát ngôn định kỳ hoặc đột xuất. Còn cung cấp thông tin thực hiện theo quyền của tổ chức, cá nhân. Ai cũng có quyền. Không nên gói đầu mối vào làm một".