Ngày 1-3, tại hội thảo về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức tại TP Hải Dương, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, đánh giá từ khi có quy chế phát ngôn, việc cung cấp thông tin thường xuyên không phải nơi nào cũng thực hiện nghiêm túc. Khi có những sự kiện đột xuất xảy ra thì chưa tổ chức họp báo kịp thời để cung cấp thông tin. Ông Lượng cũng cho biết trong năm nay, Bộ TT&TT sẽ tổ chức hội nghị tổng kết bốn năm thực hiện quy chế phát ngôn của Thủ tướng.
Không chuyên nghiệp nên tốt nhất là… né
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Pháp luật chính sách (Cục Báo chí), việc thực hiện quy chế phát ngôn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, một số cơ quan chưa tổ chức họp báo định kỳ cũng như không vận dụng cổng thông tin điện tử trong cung cấp thông tin cho báo chí. Thậm chí một số địa phương không có thói quen họp báo hoặc biến cuộc họp báo trở thành cuộc báo cáo công việc đã làm. Không ít địa phương e ngại tiếp xúc trả lời báo chí không chỉ riêng vấn đề tiêu cực, yếu kém mà cả những vấn đề kinh tế-xã hội.
Cũng theo ông Hiếu, trên thực tế người phát ngôn phần lớn là kiêm nhiệm, không được đào tạo kỹ năng cung cấp thông tin nên gặp nhiều lúng túng, thậm chí né tránh. Việc phát ngôn dồn cho một người, nếu họ đi vắng, bận việc thì PV khó tiếp cận lấy được thông tin. Tình trạng hiểu sai chỉ có người phát ngôn mới được cung cấp thông tin cho báo chí còn khá phổ biến. “Có một số cơ quan cử phát ngôn nhưng mang tính hình thức đọc văn bản, PV hỏi thì nói trả lời sau” - ông Hiếu nói.
Phó Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) từ chối không cho các PV vào tìm hiểu thông tin. Ảnh: HH
Ở góc độ người trong cuộc, ông Lương Thanh Nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, nhìn nhận vẫn còn tình trạng người phát ngôn mang tâm lý e ngại, chưa quen tiếp xúc báo chí, chưa hiểu và coi báo chí là một kênh thông tin quan trọng làm sáng tỏ những vấn đề dư luận quan tâm. Trong khi đó, nếu báo chí phải dựa nguồn khác thì rất dễ có nguy cơ thông tin không chính xác. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Doãn Quân, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, cho rằng để hạn chế việc né tránh cung cấp thông tin thì khi tiếp xúc, PV không nên có thái độ thiếu thân thiện, gây áp lực hoặc có ý khai thác thông tin moi móc khiến cho người ta phải cảnh giác.
Cung cấp thông tin là nghĩa vụ
Ông Phạm Đức Hải, Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, cho rằng việc thực hiện quy chế người phát ngôn tạo điều kiện cung cấp thông tin kịp thời, đồng thời giúp báo chí tránh sai sót và chạy lòng vòng. Tuy nhiên, không ít cơ quan thực hiện công tác phát ngôn một cách hình thức, né tránh cung cấp thông tin. Theo ông Hải, có tình trạng này ngoài nguyên nhân cơ quan hành chính thực hiện không nghiêm quy chế phát ngôn còn do Bộ TT&TT thiếu kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm.
Ông Lê Đình Hoan, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Đắk Lắk, bổ sung: Việc né tránh cung cấp thông tin báo chí còn có nguyên nhân do chưa chế tài nghiêm với những người vi phạm. Vì vậy cần phải có cơ chế ràng buộc các cơ quan phải cung cấp thông tin cho báo chí. Tại Đắk Lắk đến nay chưa có trường hợp né tránh phát ngôn, cung cấp thông tin, thậm chí cản trở báo chí tác nghiệp nào bị xử lý. “Cơ chế xử lý quá mỏng. “Rào” không những thưa mà còn quá thưa. Cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm phát ngôn, không cung cấp thông tin cho báo giới” - ông Hoan nói và đề xuất trong quy chế phát ngôn cần làm rõ vai trò của các cán bộ chủ chốt trong phát ngôn, đồng thời quy định cung cấp thông tin là trách nhiệm của cơ quan nhà nước để tránh tình trạng khi người phát ngôn đi vắng thì không ai cung cấp thông tin.
Cùng quan điểm, nhà báo Mai Phan Lợi, Trưởng Văn phòng đại diện báo Pháp Luật TP.HCMtại Hà Nội, cho rằng quy chế phát ngôn được ban hành theo quyết định của Thủ tướng, vì vậy việc cung cấp thông tin là nghĩa vụ của công chức chứ không phải là “ân huệ” theo kiểu xin - cho. Theo nhà báo Phan Lợi, cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin, như vậy việc cung cấp thông tin mới đi vào trật tự, khuôn khổ. “Mặc dù Nghị định 02/2011 có quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi cản trở cung cấp thông tin cho báo chí hoặc không cung cấp thông tin cho báo chí nhưng thực tế đến nay hai điều khoản này chưa được thực hiện lần nào. Nghĩa là chưa có cơ quan, cá nhân nào không thực hiện nghĩa vụ thông tin cho báo chí bị xử phạt” - ông Lợi nói.
Hiểu sai về quy chế phát ngôn Ngày 28-5-2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 77/2007 ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện đều ban hành quy chế phát ngôn của đơn vị mình, đồng thời cử ra người phát ngôn để kịp thời cung cấp thông tin định kỳ và đột xuất cho báo chí... Tuy nhiên, trên thực tế từ khi có các quy chế phát ngôn, dường như việc cung cấp thông tin cho báo chí không trở nên dễ dàng hơn khiến nhiều người ví von quy chế phát ngôn giống như “vòng kim cô” đối với nhà báo. Có rất nhiều dạng sử dụng quy chế phát ngôn để né tránh cung cấp thông tin cho báo chí đã được Pháp Luật TP.HCM phản ánh. Cụ thể nhất là nhiều người, nhiều nơi hiểu một cách rất máy móc là đã cử người phát ngôn thì mọi việc phát ngôn, từ thông báo tình hình chung theo định kỳ đến thông tin về các sự kiện đột xuất, các diễn biến nóng trong lĩnh vực quản lý của cơ quan, kể cả thông tin việc xử lý, giải quyết các công việc, hồ sơ cụ thể nhất nhất đều phải thông qua người phát ngôn. Hiểu như vậy nên nhiều người ngậm tăm với báo chí dù chỉ là để thể hiện ý kiến, quan điểm chuyên môn về một vấn đề nào đó, bởi “mình không phải là người phát ngôn, không được phát ngôn nếu thủ trưởng chưa cho phép”. Báo chí thường gặp phải “bức tường thông tin” khi người có trách nhiệm vin vào cách hiểu này đùn đẩy, né tránh trách nhiệm thông tin… |
HUY HOÀNG