Con ở với mẹ, cha tới dắt con đi, có phạm tội?

Bà T. và ông D. từng là vợ chồng. Năm 2016, bà T. nộp đơn xin ly hôn và được TAND quận Bình Tân, TP.HCM xử chấp nhận cho ly hôn và giao ba người con chung (chưa đủ 18 tuổi) cho bà T. nuôi dưỡng.

Cha đưa con đi, mẹ đưa con về

Theo bà T., sau khi ly hôn, ông D. thường xuyên có hành vi nhắn tin, gọi điện thoại chửi bới, đe dọa bà (bà có lưu tin nhắn và bản ghi âm). Thậm chí ông D. còn tạt sơn và chọi đá vào công ty và nhà của bà.

Bà T. trình bày khoảng 9 giờ sáng 14-9-2018, mẹ bà đang chở bé A. (con của bà với ông D., sinh năm 2016) từ bệnh viện về tới nhà ở Bình Chánh thì bị ông D. cùng với một người phụ nữ phóng xe bán tải tới chặn xe lại. Hai bên có xích mích qua lại, lợi dụng việc mẹ bà không để ý, người phụ nữ đi cùng ông D. lao vào bế bé A. leo lên xe và đóng cửa lại. Sau đó ông D. cũng lên xe và đưa bé A. nhanh chóng rời đi. Theo bà T., sự việc này có sự chứng kiến của nhiều người.

Ngày 24-9, bà T. làm đơn tố cáo ông D. gửi Công an huyện Bình Chánh. Ngày 28-9, bà phát hiện bé A. đang ở nhà bà nội tại quận Bình Tân nên bà đến công an quận này trình báo. Sau đó vì lo cho con nên bà T. đã đến nhà bà nội và may mắn đưa được bé về. Ngay sau đó, bà T. trình báo tại Công an phường Bình trị Đông B, quận Bình Tân. Tại đây, bà T. tường trình lại việc đưa con về và tình trạng sức khỏe của con.

Công an và VKS: Không có sự việc phạm tội

Bà T. cho biết sau đó bà nhận được thông báo (ngày 15-11-2018) của Công an huyện Bình Chánh về kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm. Theo đó, công an cho biết không khởi tố vụ án chiếm đoạt người dưới 16 tuổi vì không có sự việc phạm tội xảy ra.

Ngày 25-2, PV báo Pháp Luật TP.HCMliên hệ với Công an huyện Bình Chánh để tìm hiểu vụ việc. Theo công an huyện này, CQĐT không khởi tố vụ án chiếm đoạt người dưới 16 tuổi vì không có sự việc phạm tội xảy ra. Bà T. và ông D. là vợ chồng (nay đã ly hôn - PV) và đang tranh chấp nuôi con. Đây là tranh chấp dân sự trong vấn đề nuôi con, không phải là tội phạm nên công an không khởi tố vụ án.

Cạnh đó, công an cho rằng theo lời khai của ông D., ông tới đưa con đi khám bệnh (có hóa đơn) và lúc này mẹ bé không có ở nhà. CQĐT đã tống đạt quyết định và thông báo không khởi tố vụ án cho bà T. Đến nay công an không nhận được khiếu nại nào của bà T. về việc không khởi tố vụ án.

Tương tự, VKSND huyện Bình Chánh cũng cho rằng giữa ông D. và bé A. có mối quan hệ cha con. Việc ông D. thấy bé A. bị bệnh nên đưa đi khám bệnh, đồng thời đưa về nhà mình và nhà nội chơi là thể hiện tình cảm cha con. “Vì vậy, trong vụ này không có sự việc phạm tội” - đại diện VKSND huyện Bình Chánh khẳng định.

Và vụ kiện thay đổi người trực tiếp nuôi con

Về phía ông D., sau đó ông làm đơn khởi kiện bà T. yêu cầu thay đổi người nuôi con. Ngày 13-12-2018, TAND huyện Bình Chánh đã thụ lý vụ kiện này.

Ngày 18-1-2019, TAND huyện Bình Chánh ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) buộc bà T. giao ba con chung cho ông D. tạm thời trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng cho đến khi giải quyết xong vụ án trên. Lý do: Qua xác minh tại Công an xã Phong Phú, huyện Bình Chánh và Công an TP.HCM, bà T. đang bị khởi tố, điều tra về tội tàng trữ trái phép chất ma túy (hiện bà T. được tại ngoại do đang mang thai với người chồng sau)…

Ngược lại, bà T. cho rằng ông D. là đối tượng nghiện ma túy nặng, quyết định áp dụng BPKCTT của tòa chưa xem xét đến nguyện vọng của hai con trên bảy tuổi. Từ đó, bà khiếu nại quyết định này và làm đơn yêu cầu tòa thu thập chứng cứ kiểm tra, giám định việc sử dụng ma túy đối với ông D.

Trả lời PV về việc này, TAND huyện Bình Chánh cho rằng tuy bà T. nói ông D. là đối tượng nghiện ma túy, không có nghề nghiệp ổn định nhưng bà không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Trong khi đó, ông D. cung cấp kết quả xét nghiệm ngày 5-1-2019 của BV đa khoa Hồng Đức chứng minh bản thân không nghiện ma túy, đủ sức khỏe để nuôi con. Đồng thời, ông D. còn cung cấp cho tòa hợp đồng lao động thể hiện ông đang làm giám đốc công ty với mức thu nhập 100 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, theo tòa, qua xác minh tại cơ quan công an, bà T. đang bị khởi tố, điều tra về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Hiện bà đang mang thai với người chồng sau nên sức khỏe không thể đảm bảo đủ để nuôi dưỡng ba người con chung. Vì vậy, tòa tạm thời giao ba con chung cho ông D. trực tiếp nuôi cho đến khi giải quyết xong vụ án là phù hợp, nhằm đảm bảo quyền lợi của các con chung. “Từ những căn cứ trên, TAND huyện Bình Chánh đã ban hành quyết định bác đơn khiếu nại của bà T.” - TAND huyện Bình Chánh cho biết.

Tương tự, trả lời PV, VKSND huyện Bình Chánh nêu ra các căn cứ và cho rằng tòa áp dụng BPKCTT nói trên là đúng pháp luật.

Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây: … c) Có lối sống đồi trụy…

2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.

(Trích Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới