Còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ

(PLO)- Bộ KH&ĐT đề nghị tuyệt đối không ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 5-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2023.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, kinh tế vĩ mô tháng 4 và bốn tháng cơ bản ổn định. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã chuyển biến bước đầu, là tín hiệu tích cực tạo đà cho phục hồi thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm tăng 3,84% so với cùng kỳ 2022, giảm 4,18% so với quý I. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,9%, cao hơn mức CPI bình quân chung nói trên…

Một con số đáng chú ý khác, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm giảm hơn 67% so với cùng kỳ, đạt 25.700 tỉ đồng. Các doanh nghiệp đã mua lại 24.300 tỉ đồng trái phiếu trước hạn. Một số doanh nghiệp đã đàm phán với nhà đầu tư để kéo dài kỳ hạn hoặc chuyển khoản nợ sang tài sản khác….

Cũng theo Bộ KH&ĐT, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn, gây sức ép lên điều hành kinh tế vĩ mô tăng cao. Đầu tư tư nhân trong nước và thu hút FDI chưa có dấu hiệu phục hồi; vốn FDI đăng ký vào nước ta 4 tháng giảm gần 18% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao khi tính chung 4 tháng, con số này là khoảng 77 nghìn doanh nghiệp, tăng hơn 25.

Phân tích nguyên nhân, Bộ KH&ĐT cho rằng tình hình thế giới nhiều khó khăn, thách thức, biến động phức tạp, khó lường. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta đang trong quá trình phục hồi; năng lực nội tại, khả năng chống chịu, thích ứng với các tác động bên ngoài còn hạn chế.

Cạnh đó, công tác dự báo thì gặp nhiều khó khăn, nhất là chính sách của các quốc gia, nền kinh tế lớn. Trong khi “một số nơi, một số bộ ngành, địa phương phản ứng chính sách còn chậm, chưa phát hiện, tham mưu chính sách kịp thời, phối hợp chưa chặt chẽ. Một bộ phận cán bộ thực thi còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ”.

Dù vậy, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt được những mục tiêu lớn. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều khó khăn.

Thủ tướng yêu cầu cần giữ vững bình tĩnh, khách quan trong đánh giá, nhận định, quyết tâm hơn, nỗ lực hơn, phản ứng nhanh hơn, hiệu quả hơn, đưa ra giải pháp phù hợp, thúc đẩy công việc những tháng tiếp theo tốt hơn nữa.

Tuyệt đối không ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục

Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, Bộ KH&ĐT cho rằng cần có các giải pháp điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn giữa các cấp ngành.

Với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đề nghị quản lý chặt các nguồn thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; nghiên cứu, đề xuất chính sách giảm thuế, phí, lệ phí..., gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước… Đồng thời, cần khẩn trương rà soát, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trong bối cảnh thuế tối thiếu toàn cầu.

Với Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT đề nghị giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình và theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, việc trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản cụ thể để hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp. Cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng phải tiếp tục được đẩy mạnh.

“Tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân”- Bộ KH&ĐT đề nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm