Con trai công tử Bạc Liêu sắp có nhà

Đây cũng là nơi trưng bày những nông cụ thô sơ của cư dân Nam bộ từ những ngày đầu khai hoang, lập ấp.

Nhưng đó mới chỉ là phác thảo sơ bộ của nhà văn-nhà báo Phan Trung Nghĩa - tác giả cuốn sách Công tử Bạc Liêu - Sự thật và giai thoại, đồng thời là người khởi xướng ý tưởng xây dựng căn nhà nói trên.

Từ lá đơn xin nhà...

Cuối năm 2008, Pháp Luật TP.HCM đưa tin ông Đức gửi đơn đến UBND tỉnh Bạc Liêu xin một căn nhà làm nơi thờ tự và làm ăn sinh sống vì gia đình ông đang hết sức khó khăn. Sau đó có thông tin UBND tỉnh chỉ đạo xem xét, dự định cấp cho ông Đức một căn nhà tình thương vì ông “chẳng thuộc diện chính sách nào”.

Ông Đức là con ruột của công tử Bạc Liêu - người nổi tiếng phong lưu, giàu có một thời với giai thoại “đốt tiền nấu trứng”, nay lại đi xin nhà quả là chuyện lạ. Nhưng với nhà văn-nhà báo Phan Trung Nghĩa - người sưu tầm nghiên cứu cuộc đời và giai thoại công tử Bạc Liêu thì điều đó không có gì lạ. Thông qua Pháp Luật TP.HCM, nhà văn-nhà báo Phan Trung Nghĩa biết được tâm tư của ông Đức về chuyện “nhà tình thương” đã nghĩ cách vận động các mạnh thường quân cùng chung tay xây căn nhà cho ông Đức...

Ông Phan Trung Nghĩa đã gặp gỡ ông Nguyễn Chí Luận - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Bạc Liêu trình bày hoàn cảnh của ông Đức. Nghe qua, ông Luận đồng ý tặng lô đất hơn 200 m2 tại Khu du lịch Hồ Nam (dự án do công ty ông làm chủ đầu tư ở thị xã Bạc Liêu) để ông Đức xây nhà...

“Trước Tết nguyên đán, anh ruột ông Đức có gọi cho tôi bảo gần đến ngày giỗ cha (công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, còn gọi là Hắc công tử) mà không biết tổ chức ở đâu. Nghe vậy, tôi mới bàn với chị Võ Kim Cương, Giám đốc khách sạn Công tử Bạc Liêu, nên chăng tổ chức đám giỗ ngay tại khách sạn vốn trước đây là dinh thự của công tử Bạc Liêu. Chị Kim Cương đồng ý ngay” - nhà văn Phan Trung Nghĩa kể. Thế là sau bao năm mạnh ai nấy giỗ, lần này con cái công tử Bạc Liêu được giỗ cha ngay trong ngôi nhà xưa kia do cha mình gầy dựng.

Tại buổi giỗ, ông Luận chính thức ngỏ lời tặng đất cho ông Đức làm nhà. “Nhưng có đất cũng chưa chắc xây được nhà, bởi hoàn cảnh ông Đức hiện quá khó khăn, phải chạy xe ôm kiếm ăn từng bữa thì lấy đâu ra tiền để xây nhà? Vì vậy, mọi người bàn nhau sẽ huy động những nhà hảo tâm.Trước mắt, anh Nghĩa sẽ cùng tôi đứng ra vận động” - ông Luận cho biết.

Một điểm du lịch lý thú

Nhà văn Phan Trung Nghĩa cho biết ông sẽ cố gắng huy động các mạnh thường quân để có đủ kinh phí xây dựng căn nhà ba gian bằng gỗ (mua lại khung nhà cổ, trị giá khoảng 300 triệu đồng). Ngoài việc làm chỗ thờ tự, căn nhà sẽ là nơi trưng bày những kỷ vật, vật dụng trước đây của công tử Bạc Liêu mà nhà văn Phan Trung Nghĩa và bạn bè đang cố công sưu tầm. Ngoài ra, đây cũng là nơi trưng bày những vật dụng, nông cụ của cư dân Nam bộ thời khai hoang, mở cõi. “Hy vọng đây sẽ là điểm tham quan du lịch lý thú để du khách hiểu thêm về con người và cuộc sống của vùng đất phương Nam giàu lòng mến khách. Du khách sẽ đặc biệt thú vị khi được nghe chính “nhân chứng sống” là ông Đức kể chuyện về cha mình, về những giai thoại mà dân gian lưu truyền so với sự thật mà ông cùng các thành viên trong gia đình nếm trải” - nhà văn Phan Trung Nghĩa nói.

Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là dự án phác thảo. Bởi đến nay, ngoại trừ lô đất Công ty cổ phần Địa ốc Bạc Liêu trao tặng, gia đình ông Đức vẫn chưa nhận được sự ủng hộ nào khác.

THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm