ĐÃ NGHE ĐÃ THẤY

Con vịt xiêm và hai mạng sống

Ngoạt giết người rất đơn giản, đó là lúc anh ta đang uống rượu, hết mồi nên đi trộm con vịt xiêm về làm mồi nhậu tiếp.

Khi Ngoạt bắt xong vịt thì bị hai anh em Nguyên, Quý phát hiện và nói báo hàng xóm, vì thế Ngoạt đã dùng cuốc chim bổ vào đầu cháu Nguyên rồi cháu Quý đến chết…

Việc hai anh em Nguyên và Quý bị giết bởi lý do quá sức ngô nghê mà nhiều khi chính hai em khi chết cũng sẽ không hiểu mình có làm gì sai để bị giết. Từ bia, rượu dẫn đến mất kiểm soát hành vi và giết người không còn là chuyện của chỉ một vài gia đình mà đang là chuyện của xã hội.

Nhìn rộng ra, rất nhiều vụ việc giết người gần đây đều từ những lý do tưởng chừng ngớ ngẩn: Ra đường va quẹt xe, cự cãi đâm nhau chết; tranh chấp nhau con gà đá, đánh nhau chết; giành chỗ bán nước mía, đâm nhau chết; nhậu xong giành trả tiền, ẩu đả đến chết… Việc giết người ngày càng quá dễ dàng và ngày càng tiến tới sự nhanh gọn!

Nhiều vụ giết người trong xã hội hiện tại làm người viết liên tưởng đến những bộ phim bạo lực của điện ảnh Hollywood, hết xác này đến xác kia nằm trong vũng máu như phim. Thế nhưng giết người trong phim Mỹ khác hẳn với những gì đang diễn ra trong xã hội chúng ta hiện nay. Bởi hành vi bạo lực trong phim đằng sau đó ẩn chứa những thông điệp phản kháng xã hội. Ngược lại, khi xã hội đang hiện diện bạo lực như trong phim thì xã hội lại ẩn chứa một sự đổ vỡ đạo đức khó lường.

Trong một ca khúc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết: “Bài học về yêu thương trên giấy mới, sao hôm nay vết mực đã phai”… Câu hát đó luôn ám ảnh người viết khi nghĩ về hai cháu bé trong căn chòi canh vịt ở Đắk Lắk. Các em đang tuổi đi học, những bài học về đạo đức đang được các em thử nghiệm trong đời sống hằng ngày. Bài học đạo đức dạy các em không nên ăn trộm, thấy trộm phải báo… Nhưng các em nào biết bài học đạo đức cô dạy kia đôi khi dẫn em rời xa bè bạn, gia đình.

Dĩ nhiên sẽ không có con người nào hay xã hội nào ngăn ngừa được tội ác bột phát sau khi mất kiểm soát vì men rượu như trường hợp của Ngoạt. Nhưng khi con người ta ngày càng man rợ hơn thì không thể phủ nhận trách nhiệm của xã hội vì chính xã hội đã tạo ra những khiếm khuyết trong giáo dục.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm