Tỉ lệ sinh giảm đang trở thành vấn đề báo động đối với toàn cầu, đặc biệt ở các nước phát triển. Những năm gần đây, dân số toàn cầu tăng với tốc độ chậm hơn nhiều so với trước và dân số của nhiều quốc gia bắt đầu giảm.
Tình trạng giảm sinh toàn cầu
Theo dữ liệu từ Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, tỉ lệ sinh ở Mỹ đã giảm 3% trong giai đoạn 2022 - 2023. Ngoại trừ mức tăng 1% vào năm 2021 thì năm ngoái là năm thứ tám Mỹ chứng kiến tỉ lệ sinh giảm.
Tỉ lệ sinh năm 2023 ở Mỹ là 54,4 ca sinh/1.000 phụ nữ, mức thấp kỷ lục và thấp hơn mức 2,1 trẻ em/phụ nữ - “mức thay thế” dân số cần thiết.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các nước Liên minh châu Âu (EU). Tờ Euronews tháng 4-2023 dẫn số liệu từ Eurostat (cơ quan thống kê của EU) rằng khu vực này đang trên bờ vực của một sự thay đổi nhân khẩu học lớn.
Cụ thể, sau hai năm suy giảm do đại dịch COVID-19, dân số EU bắt đầu tăng vào năm 2022. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này phần lớn là do dòng người tị nạn Ukraine ồ ạt đổ vào khu vực sau xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Đáng chú ý, trong năm 2022, không quốc gia nào của EU có tỉ lệ sinh đạt ngưỡng thay thế 2,1 trẻ em/phụ nữ. Tỉ lệ sinh trung bình của khối là 1,46. Quốc gia có tỉ lệ sinh cao nhất là Georgia với mức 1,83 và thấp nhất là Malta với tỉ lệ 1,08.
Tại châu Á, dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023, do tỉ lệ sinh thấp kỷ lục và tử vong do COVID-19. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đầu năm nay cho biết tổng dân số nước này đã giảm 2,08 triệu người, tương ứng 0,15%, xuống còn 1,409 tỉ người. Nhu cầu sinh con ở Trung Quốc trong năm 2023 cũng tiếp tục giảm.
Dữ liệu này làm gia tăng mối lo ngại rằng triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang suy giảm do ít người lao động và người tiêu dùng hơn, trong khi chi phí chăm sóc người già và phúc lợi hưu trí tăng cao.
Về lâu dài, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc dự báo dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người vào năm 2050, hơn ba lần mức giảm so với dự báo hồi năm 2019.
Hai quốc gia Đông Bắc Á khác là Hàn Quốc và Nhật cũng chứng kiến mức sinh giảm báo động. Hàn Quốc hiện có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, chỉ 0,72 trẻ em/phụ nữ trong năm 2023.
Tại Nhật, tỉ lệ sinh năm 2023 đã giảm xuống mức thấp mới trong năm thứ tám liên tiếp, theo dữ liệu của Bộ Y tế Nhật công bố hồi tháng 6. Theo đó, tỉ lệ sinh của Nhật là 1,2 vào năm 2023, có 727.277 trẻ sơ sinh được sinh ra tại Nhật vào năm 2023, giảm 5,6% so với năm trước - mức thấp nhất kể từ khi Nhật bắt đầu thống kê vào năm 1899. Ngoài ra, số lượng người đăng ký kết hôn năm 2023 cũng giảm 6% so với một năm trước.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yoshimasa Hayashi khi đó đã cảnh báo rằng đây là “tình hình nghiêm trọng”. Theo ông Hayashi, 6 năm tiếp theo sẽ là “cơ hội cuối cùng” để Nhật có thể đảo ngược xu hướng này.
“Những gì chúng ta đang trải qua hiện nay là điều chưa từng thấy trước đây trong lịch sử loài người, đó là sự thay đổi trên quy mô lớn, xuyên quốc gia, xuyên văn hóa” - bà Jennifer D. Sciubba, một chuyên gia nhân khẩu học, nói với đài CNN.
Để người trẻ chịu kết hôn, sinh con
Chính phủ rất nhiều nước đang nỗ lực để khắc phục tình trạng tỉ lệ sinh giảm. Tờ South China Morning Post ngày 25-8 đưa tin Trung Quốc đang tìm cách đơn giản hóa việc kết hôn và hạn chế việc ly hôn vì ngày càng nhiều người trẻ chọn sống độc thân.
Theo đó, Bộ Nội vụ Trung Quốc đầu tháng này công bố dự thảo sửa đổi Quy định về đăng ký kết hôn để cho phép các cặp đôi có thể kết hôn chỉ bằng căn cước công dân ở bất kỳ nơi nào trên cả nước thay vì phải nộp hộ khẩu như trước đây.
Dự thảo cũng đề xuất về “thời gian cân nhắc” kéo dài 30 ngày đối với việc ly hôn để một trong hai bên có thể rút đơn xin ly hôn nhằm “giảm tình trạng ly hôn do bốc đồng”. Trung Quốc cũng nỗ lực thúc đẩy tỉ lệ sinh bằng các ưu đãi bao gồm nhà ở giá rẻ, cắt giảm thuế.
Tương tự, vào tháng 5 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã công bố kế hoạch thành lập một bộ mới tập trung vào các vấn đề nhân khẩu học. “Chúng tôi sẽ huy động mọi khả năng của đất nước để khắc phục tình trạng tỉ lệ sinh thấp, có thể coi là tình trạng khẩn cấp quốc gia” - ông Yoon nói.
Quyết định của Tổng thống Yoon được đưa ra sau khi hàng chục biện pháp chính sách bao gồm trợ cấp để giảm tình trạng thắt ống dẫn tinh, hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình có trẻ sơ sinh, miễn phí tiền taxi và kéo dài thời gian nghỉ phép chăm sóc trẻ em,.. đã không thể đảo ngược tình trạng tỉ lệ sinh giảm mạnh ở nước này.
Tại Nhật, vào năm 2023, Thủ tướng Fumio Kishida đã công bố biện pháp “Kích thước mới” (“New Dimension”) nhằm đảo ngược tình trạng tỉ lệ sinh giảm. Biện pháp này gồm 4 trụ cột: Mở rộng các khoản trợ cấp trẻ em; mở rộng phạm vi bảo hiểm xã hội cho thai sản; mở rộng phạm vi hoạt động của trung tâm chăm sóc trẻ em; và tăng trợ cấp nghỉ phép để chăm sóc trẻ em.
Chính quyền thủ đô Tokyo cũng tài trợ cho các hoạt động tư vấn tình cảm cho cặp đôi, cũng như các sự kiện mà những người độc thân có thể gặp gỡ. Ngoài ra, những câu chuyện tình yêu của các cặp đôi có thể được chuyển thể thành truyện tranh manga hoặc bài hát nhằm thúc đẩy quan điểm tích cực về hôn nhân.
Tokyo có kế hoạch ra mắt một ứng dụng hẹn hò cho người dân TP vào cuối năm nay.
Chính phủ Hungary năm 2019 đã cung cấp cho các cặp vợ chồng khoản vay không tính lãi trị giá 30.000 euro để chi tiêu cho bất kỳ nhu cầu gì, đặc biệt khoản vay sẽ được xóa khi sinh con thứ ba. Những bà mẹ có bốn con trở lên sẽ được miễn thuế thu nhập.
Bộ Y tế lên tiếng về thông tin xử phạt người độc thân
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội có đăng tải một số nội dung thông tin về việc Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đưa ra ý kiến, đề nghị thí điểm “xử phạt người độc thân”, theo Báo Điện tử Chính phủ.
Cụ thể, ngày 13-8-2024, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Công văn số 4737/BYT-VPB1 về việc trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung cử tri đề nghị “có biện pháp cụ thể để nâng tỉ lệ sinh ở các vùng đô thị…”.
Theo nội dung văn bản, nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đảm bảo tốc độ gia tăng dân số và duy trì cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động hợp lý, góp phần vào sự phát triển dân số bền vững, ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Trong đó, tại các địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, cần tập trung ưu tiên thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp nhằm vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ 2 con, không có nội dung xử phạt người độc thân.
Bộ Y tế khẳng định, thông tin về việc xử phạt người độc thân là thông tin bịa đặt, sai sự thật, cố tình xuyên tạc gây hiểu lầm, bức xúc trong xã hội.