Theo dữ liệu mới do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật công bố hôm 7-6, Nhật hiện có 123,9 triệu dân nhưng chỉ ghi nhận 727.277 ca sinh vào năm 2023. Điều này khiến tỉ lệ sinh ở Nhật giảm từ 1,26 xuống 1,20. Theo đài CNN, tỉ lệ sinh được định nghĩa là tổng số lần sinh con của một phụ nữ trong đời.
Vấn đề đã có từ lâu
Để dân số duy trì ổn định, một quốc gia thường cần tỉ lệ sinh là 2,1. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết tại Nhật tỉ lệ sinh đã ở dưới mức ổn định 2,1 trong nửa thế kỷ. Tỉ lệ này đã giảm xuống dưới mức 2,1 sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu năm 1973.
Xu hướng giảm đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Trong đó, số ca tử vong vượt quá số ca sinh mỗi năm và khiến tổng dân số giảm. Điều này gây ra những hậu quả sâu rộng đối với lực lượng lao động, nền kinh tế, hệ thống phúc lợi và cơ cấu xã hội của Nhật.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật, vào năm 2023, cả nước này ghi nhận 1,57 triệu ca tử vong, nhiều hơn gấp đôi số ca sinh. Ngoài ra, số lượng các cuộc hôn nhân đã giảm 30.000 trong năm 2023, trong khi số vụ ly hôn lại tăng lên.
Theo mô hình dự báo của Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội Nhật (IPSS), dân số nước này sẽ giảm 30% từ nay đến năm 2070. Khi đó, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 40 % dân số.
Tại Nhật, số lượng cha mẹ đơn thân hoặc trẻ em sinh ra từ các bà mẹ chưa kết hôn ở nước này ít hơn nhiều so với nhiều nước phương Tây. Ngoài ra, nhiều người trẻ ở Nhật không muốn kết hôn.
Các chuyên gia đã chỉ ra chi phí sinh hoạt cao, nền kinh tế, tiền lương trì trệ, không gian hạn chế và văn hóa làm việc khắt khe của Nhật là những lý do khiến ít người chọn hẹn hò hoặc kết hôn.
Theo một cuộc khảo sát năm 2022 của IPSS, “sự sẵn lòng thành lập gia đình của người Nhật đã giảm đáng kể”. Trong số những người trưởng thành độc thân chưa từng kết hôn, ít người nói rằng họ có ý định kết hôn hơn so với những năm trước, trong khi nhiều người nói rằng họ sẽ không cô đơn ngay cả khi sống một mình. Khoảng một phần ba người được hỏi cho biết họ không muốn hẹn hò.
Đối với phụ nữ, kinh tế không phải là vấn đề duy nhất. Tại Nhật, phụ nữ đã kết hôn thường được mong sẽ ở nhà đảm nhận vai trò chăm sóc gia đình.
Các chuyên gia cho rằng xu hướng giảm trong tỉ lệ sinh này dự kiến tiếp tục trong ít nhất vài thập niên và đây là điều khó có thể thể giải quyết do cơ cấu dân số của nước này. Ngay cả khi tỉ lệ sinh ở Nhật tăng lên trong năm sau, dân số Nhật vẫn có xu hướng giảm, cho đến khi tỉ lệ người trẻ tuổi và lớn tuổi đạt mức gần bằng nhau.
Giải pháp mới
Chính phủ Nhật đang chạy đua để giảm bớt tác động của việc tỉ lệ sinh giảm. Nhật cũng thành lập cơ quan chính phủ mới để tập trung giải quyết vấn đề dân số giảm. Chính phủ còn đưa ra các sáng kiến như mở rộng các cơ sở chăm sóc trẻ em, trợ cấp nhà ở cho các cha mẹ. Ở một số thị trấn, chính quyền thậm chí còn trả tiền cho các cặp vợ chồng để sinh con.
Tại Tokyo, chính quyền địa phương đang thực hiện biện pháp mới, đó là cho hoạt động một ứng dụng hẹn hò do chính quyền điều hành. Ứng dụng này đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu và sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Theo CNN, ứng dụng này sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Website của ứng dụng cho biết: “Hãy sử dụng ứng dụng này như ‘bước đầu tiên’ để bắt đầu tìm kiếm hôn nhân”.
Theo đó, người dùng ứng dụng được yêu cầu thực hiện “bài kiểm tra xác định giá trị” và đưa ra những đặc điểm mà họ muốn người họ hẹn hò trong tương lai có.
“Dựa trên các giá trị của bạn và các giá trị bạn tìm kiếm ở người bạn muốn hẹn hò, AI sẽ giới thiệu cho bạn một người tương thích” - theo website ứng dụng.
Website cho biết điều kiện cho người dùng là họ phải độc thân, trên 18 tuổi “có mong muốn kết hôn” và đang sống hoặc làm việc tại Tokyo.
Ứng dụng này thậm chí còn thu hút sự chú ý của tỉ phú Elon Musk. Trên X (Twitter), ông viết: “Tôi rất vui vì chính phủ Nhật nhận ra tầm quan trọng của vấn đề này. Nếu không hành động triệt để, Nhật (và nhiều quốc gia khác) sẽ biến mất”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng kịch bản mà ông Musk đề cập khó có thể xảy ra. Theo đó, tỉ lệ sinh dự kiến cân bằng vào một thời điểm nào đó. Khi đó, nước Nhật có thể sẽ rất khác so với hiện tại, từ cơ cấu nhân khẩu học đến nền kinh tế và các chính sách đối nội.