ĐIỀU TRA: 'Hô biến' khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt - Bài 3: Khoai trộn đất đỏ Đà Lạt chở đi bán khắp nơi

(PLO)- Sau khi nhuộm đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc thì nông sản đội lốt này chuyển đến các tỉnh, thành miền Trung, Nam Bộ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khoai tây Trung Quốc sau khi được “phù phép” thành hàng nông sản Đà Lạt đã được vận chuyển đi giao cho các vựa khác trên địa bàn tỉnh và các điểm tập kết để đem đi tiêu thụ ở Nha Trang, Tiền Giang…

Bảy bước “phù phép” khoai tây Trung Quốc

Ngày 25-5, chúng tôi đến vựa rau củ Thương Vui tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Vựa rộng khoảng 700 m2 do người phụ nữ tên Vui làm chủ.

Lúc này bà Vui đang tư vấn cho một người khách đang tìm mua cà rốt và khoai tây Trung Quốc về bán ở Đồng Nai.

Bà Vui hỏi qua loa lý do rồi nói: “Cái này dễ mà, nhà này làm theo nhu cầu của khách, khách cần đất đỏ thì chị trộn đất đỏ, khách cần nguyên thủy thì chị đi hàng nguyên thủy… Bữa nay em thấy không, khoai Trung Quốc nhưng bạn hàng đòi đi bịch 15 kg giả hàng khoai Bắc em thấy không, ra nhìn bịch khoai là em thấy. Đấy, bữa nay đang đi khoai mười lẻ năm (10.500 đồng/kg - PV)” - bà Vui nói với vị khách.

ĐIỀU TRA: 'Hô biến' khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt - Bài 3: Khoai trộn đất đỏ Đà Lạt chở đi bán khắp nơi
Tại vựa rau củ Thương Vui, công nhân phun nước, rắc đất đỏ Đà Lạt lên khoai tây Trung Quốc rồi dùng tay nhào nặn cho đất dính đều là thành nông sản Đà Lạt. Ảnh trong bài: M.HẬU - T.SANG

Cũng theo bà Vui, hiện vựa không làm khoai hồng, chỉ làm khoai vàng Trung Quốc và cho biết là trộn đất đỏ vào khoai vàng và bán với giá 10.500 đồng/kg.

Khi người khách rời đi, bà Vui cho chúng tôi biết giá các loại khoai tây Trung Quốc là như vừa trao đổi với người khách nói trên, tức 10.500 đồng/kg.

Cũng theo quan sát của chúng tôi, trong vựa bà Vui có rất nhiều khoai tây Trung Quốc đang đổ xuống nền nhà, được các công nhân phân loại để trộn đất và đóng bao.

Một người khách đến mua hàng của vựa cho biết đang đặt mua số lượng lớn khoai tây từ bà Vui nhưng bà hẹn sang hôm sau mới giao hàng vì phải vận chuyển đất đỏ từ Đà Lạt xuống để trộn.

Sáng hôm sau, người này quay lại để lấy hàng nhưng bà Vui đi vắng. “Anh điện cho chị Vui rồi, anh lấy hàng hôm qua đặt” - người này nói với một công nhân nam đang lựa khoai tây.

P5_PHU1h_khoaitaydalat_nhompv_ttam.jpg
Bà Vui cho biết tại vựa khoai nào cũng có, thích nhuộm đất đỏ có đất đỏ.

Lúc này, nam công nhân hỏi lại: “Anh đặt khoai rửa xong rồi rắc đất đỏ lên đúng không”. Sau khi xác nhận, công nhân này yêu cầu ba phụ nữ đổ năm bao khoai tây ra các sọt nhựa.

“Cậu ơi, xịt nước rồi rắc đất lên đống khoai này cho con để nhái khoai Đà Lạt” - nam công nhân tiếp tục nói với người khác và yêu cầu khách chờ 40 phút để cho đất khô rồi mới đóng bao.

Theo hình ảnh chúng tôi ghi lại, quy trình “phù phép” được diễn ra theo các bước: Khoai tây sau khi rửa thì đổ vào các sọt nhựa - lấy vòi nước phun và lắc khoai tây để ướt đều - lấy đất đỏ cho vào rổ rồi sàng đều lên khoai tây - dùng tay cầm những củ khoai tây xoa, nắn để đất đỏ bám dính - dùng quạt máy thổi vào khoai tây cho nhanh khô - đóng vào túi nylon.

Khoai tây sau khi nhuộm giao đến nhiều tỉnh, thành

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoai tây Trung Quốc sau khi nhuộm đất đỏ Đà Lạt sẽ chở đi giao đến khắp các tỉnh, thành miền Trung, Nam Bộ.

Ngày 16-6, chúng tôi ghi nhận xe tải nhỏ loại 500 kg từ ngoài đường lùi vào trong vựa khoai Toàn Luyện ở huyện Đức Trọng. Sau đó các công nhân bốc từng bịch khoai tây lên xe, tầm 30 phút sau, khoai tây gần đầy thùng xe. Sau đó xe chạy khoảng 2 km đến đường Trường Chinh, đưa hàng lên xe tải ba chân.

P5_PHU2h_khoaitaydalat_nhompv_ttam.jpg
Xe tải loại 500 kg chở khoai tây Trung Quốc tại điểm tập kết chở về Tiền Giang.

Xe tải ba chân này lấy thêm hàng ở chợ đầu mối huyện Đức Trọng rồi chở về tỉnh Khánh Hòa thả hàng.

Còn ngày 17-6, chúng tôi cũng ghi nhận xe tải lấy hàng có nguồn gốc từ vựa Toàn Luyện chở hàng về Tiền Giang.

Cũng theo điều tra của chúng tôi, các vựa nông sản có hành vi trộn đất vào khoai tây Trung Quốc còn giao hàng đến các tỉnh Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận…

Bị Đà Lạt “cấm cửa”, các vựa nông sản dạt về vùng ven

Theo Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, do thường xuyên tăng cường công tác quản lý tình trạng giả mạo nông sản Đà Lạt trên địa bàn nên đa số vựa chuyển về kinh doanh ở địa bàn các huyện khác và ngoài tỉnh.

Một số vựa kinh doanh ngoài chợ nông sản Đà Lạt có nhập khẩu khoai tây Trung Quốc về để đáp ứng nhu cầu của bạn hàng ngoài tỉnh vào những tháng mà Đà Lạt không có sản lượng khoai tây, với số lượng và tần suất không nhiều.

Các lô hàng này đều đảm bảo hóa đơn, chứng từ hợp lệ, được các ngành TP Đà Lạt phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở NN&PTNT lấy mẫu đều đạt yêu cầu, hàng nhập vào và xuất đi không thay đổi về hình thái, màu sắc, nhãn hàng hóa, chưa phát hiện hành vi trộn đất, dán nhãn giả mạo thành khoai tây Đà Lạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm