Kiến nghị xử lý 'Hô biến' khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt

(PLO)- Phòng kinh tế TP Đà Lạt có kiến nghị khẩn đến UBND TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, đề nghị thực hiện nhiều nội dung sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh việc 'hô biến' khoai Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt .

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Ngày 6-9, ông Nguyễn Đức Cứ, trưởng phòng kinh tế TP Đà Lạt đã ký văn bản kiến nghị UBND TP Đà Lạt chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng thực hiện nhiều nội dung quan trọng từ phóng sự điều tra "“Hô biến” khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt" mà Pháp Luật TP.HCM đang phản ánh.

Tuyệt đối không để kinh doanh nông sản ngoài Đà Lạt – Lâm Đồng

Phòng Kinh tế, UBND TP Đà Lạt kiến nghị UBND TP Đà Lạt chỉ đạo Ban quản lý chợ Đà Lạt tiếp tục tăng cường công tác quản lý chợ. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ quy trình nhập hàng, xuất hàng ra vào chợ.

Đặc biệt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiểu thương kinh doanh nông sản có nguồn gốc xuất xứ ngoài Đà Lạt – Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, giao UBND các phường và xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh nông sản trên địa bàn. Trường hợp phát hiện kinh doanh nông sản ngoại nhập thì kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc thông tin Đoàn Kiểm tra liên ngành chống buôn lậu TP Đà Lạt để phối hợp kiểm tra, xử lý theo quy định.

Đà Lạt chỉ đạo khẩn việc “Hô biến” khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt
Khoai tây Trung Quốc được trộn đất đỏ và hô biến thành nông sản Đà Lạt. Ảnh: MH-TS

Tổ chức cho các cơ sở kinh doanh nông sản trên địa bàn ký cam kết tuyệt đối không kinh doanh hàng nông sản không có nguồn gốc, xuất xứ giả mạo thành nông sản Đà Lạt.

Đối với Công an TP Đà Lạt, phải chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế, Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt – Lạc Dương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh nông sản nhập ngoại giả mạo nông sản Đà Lạt.

Ngoài ra, công an phải chỉ đạo các đội nghiệp vụ thường xuyên chủ động trinh sát nắm tình hình, phát hiện, xử lý các cơ sở kinh nông sản kinh doanh sai quy định, giả mạo thương hiệu, gian lận thương mại.

Giao Phòng Kinh tế tiếp nhận thông tin từ UBND phường, xã, người dân, báo chí để phối hợp lực lượng Công an TP kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Thông tin, phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản thuộc Sở NN& PTNT thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa nông sản trên địa bàn.

Phòng kinh tế cũng phải chủ trì, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND TP Đà Lạt. Từ đó tổng hợp tình hình, báo cáo UBND thành phố Đà Lạt quá trình thực hiện và đề xuất giải quyết các nội dung phát sinh.

Phòng kinh tế cũng Kiến nghị UBND TP Đà Lạt đề nghị Sở NN&PTNT, Cục quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh nông sản nhập ngoại trên địa bàn tỉnh để bảo hộ thương hiệu nông sản Đà Lạt – Lâm Đồng.

Khoai tây Trung Quốc giả mạo nông sản Đà Lạt từ năm 2012

Phòng kinh tế, TP Đà Lạt cũng cho biết, tình trạng hàng nông sản nhập khẩu, trong đó chủ yếu là mặt hàng khoai tây Trung Quốc được nhập khẩu về Đà Lạt để giả mạo nông sản Đà Lạt xuất hiện từ năm 2012-2013. TP Đà Lạt đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý quyết liệt.

Cụ thể, vào năm 2013, UBND TP Đà Lạt đã ban hành quyết định xử phạt bà Nguyễn Thị Nguyệt (phường 12) nhập khoai tây Trung Quốc về Đà Lạt thông qua một Công ty ở Hà Nội và ở Lào Cai.

Thời điểm này, bà Nguyệt bị xử phạt với số tiền 3,5 triệu đồng, tiêu hủy 26 tấn khoai tây nhập khẩu không đảm bảo chất lượng.

Cũng theo UBND TP Đà Lạt, qua việc xử lý nghiêm chủ vựa hàng nói trên và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thì tình hình kinh doanh nông sản nhập khẩu giả mạo hàng Đà Lạt cơ bản được giải quyết.

Đến giai đoạn 2017 – 2018, vì lý do lợi nhuận tương đối cao, sản lượng khoai tây Đà Lạt không đủ cung cấp quanh năm cho thị trường nên một số tiểu thương tiếp tục nhập khẩu khoai tây về kinh doanh.

Từ đó, UBND TP Đà Lạt đã chỉ đạo các ngành TP kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của Hộ bà Đoàn Thị Chè (Phường 10) khi có hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định; Gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng người tiêu dùng.

Công an TP Đà Lạt cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5,5 triệu đồng đối với bà Chè, tạm giữ một máy nổ và tiêu hủy một tấn khoai tây Trung Quốc trộn đất Đà Lạt

Ngoài ra, hộ bà Nguyễn Thị Kim Hiệp (Phường 11) cũng bị Công an TP Đà Lạt ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 3,2 triệu đồng, tạm giữ một máy trộn rửa khoai tây và tiêu hủy 500 kg khoai tây Trung Quốc trộn đất Đà Lạt vì những vi phạm tương tự.

Riêng hộ bà Lê Thị Nhung (Phường 3) có hành vi kinh doanh khoai tây Trung Quốc nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Công an thành phố Đà Lạt đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5,5 triệu đồng.

Phòng kinh tế TP Đà Lạt cũng thông tin, từ năm 2018 đến hiện tại, mặt hàng khoai tây nhập khẩu tại địa bàn Đà Lạt cơ bản được quản lý nghiêm. Đối với chợ nông sản Đà Lạt, cơ quan chức năng kiểm soát nghiêm ngặt đầu vào và đầu ra, tuyệt đối không nhập và kinh doanh mặt hàng nông sản nhập ngoại.

Bị Đà Lạt “cấm cửa”, các vựa nông sản dạt về vùng ven

Theo phòng kinh tế, TP Đà Lạt, do thường xuyên tăng cường công tác quản lý nên tình trạng giả mạo nông sản Đà Lạt trên địa bàn nên đa số các vựa chuyển về kinh doanh ở địa bàn các huyện khác và ngoài tỉnh.

Một số vựa kinh doanh ngoài chợ nông sản Đà Lạt có nhập khẩu khoai tây Trung Quốc về để đáp ứng nhu cầu bạn hàng ngoài tỉnh vào những tháng mà Đà Lạt không có sản lượng khoai tây, với số lượng và tần suất không nhiều.

Các lô hàng này đều đảm bảo hóa đơn chứng từ hợp lệ, được các ngành TP Đà Lạt phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT lấy mẫu đều đạt yêu cầu, hàng nhập vào và xuất đi không thay đổi về hình thái, màu sắc, nhãn hàng hóa, chưa phát hiện hành vi trộn đất, dán nhãn giả mạo thành khoai tây Đà Lạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm