Công an chưa gửi mẫu giám định
Ngày 3-3, trao đổi với Đại tá Bùi Văn Khương, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Đắk Nông, ông Khương thông tin hiện hòn đá vẫn đang bị tạm giữ tại công an tỉnh.
Ông Khương cho biết: Sau khi nhận được tin báo, công an đã kiểm tra, thu giữ tảng đá để xử lý. “Công an bắt giữ tảng đá vì những người liên quan có hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Dù là đá thông thường, người dân khi khai thác đều phải xin phép. Mọi hành vi khai thác trái phép đều bị ngăn cấm, xử lý” - ông Khương nói.
Ông Khương cũng cho biết công an đang tiếp tục làm việc với các bên liên quan, củng cố hồ sơ báo cáo cấp trên để có hướng chỉ đạo. “Công an cũng chưa gửi mẫu đi giám định để xác định mức độ quý của đá. Tuy nhiên, qua làm việc, lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Đắk Mil cho biết đây là đá canxedon thuộc loại đá bán quý. Khi củng cố đầy đủ hồ sơ, cơ quan công an sẽ sớm xử lý và thông báo cho chính quyền địa phương” - ông nói.
Cũng theo ông Khương, hiện công an đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ, sau đó sẽ chiếu theo luật khoáng sản, tùy mức độ vi phạm mà xem xét nên xử lý với những người liên quan.
Khi chúng tôi đặt vấn đề: “Dư luận cho rằng tảng đá đã bị tẩu tán khỏi địa bàn tỉnh Đắk Nông” và ngỏ ý được ghi lại một số hình ảnh của tảng đá mà công an đang tạm giữ. Ông Khương từ chối vì cho rằng lãnh đạo không đồng ý.
Tảng đá phát hiện tại rẫy của người dân ở Đắk Nông ngày 10-2. Ảnh: ĐD
Người phát hiện tảng đá đã bán trước khi bị thu giữ
Cùng ngày, chúng tôi đã đến nhà ông Nguyễn Chí Thanh ở thôn Nam Định, xã Đắk Gằn, người phát hiện tảng đá, để tìm hiểu sự việc.
Ông Thanh kể: Sáng 10-2, ông thuê máy múc từ trung tâm xã Đắk Gằn về đào hồ tưới nước. Khi múc xuống sâu thì phát hiện một hòn đá to. Lúc này chủ máy múc thương lượng, đưa cho ông 70 triệu đồng mua tảng đá và ông đã chấp nhận. Sau đó người chủ máy múc tự huy động thêm hai máy vào khai thác hòn đá. Khi đang khai thác thì Công an xã Đắk Gằn vào lập biên bản.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Công an xã Đắk Gằn, xác nhận: Chiều 10-2, ông vào rẫy ông Thanh, thấy một tảng đá to đã được cẩu lên rơmoóc đang nằm dưới hố sâu. Chủ nhà và người khai thác vắng mặt, công an đã gọi đại diện thôn đến lập biên bản, cắt cử một công an viên ở lại canh giữ tảng đá suốt đêm. Sáng hôm sau, công an viên về báo cáo sự việc. Tuy nhiên, đến hơn 21 giờ ngày 11-2, tảng đá bị PC46 bắt giữ trên quốc lộ 14, cách hiện trường hơn 5 km khi nó đang được vận chuyển đi tiêu thụ.
Theo ông Thanh, việc khai thác đá trên địa bàn đã diễn ra cả chục năm nay. Trước đây người dân chỉ phát hiện những hòn đá nhỏ, dùng để trưng cảnh, làm đá phong thủy.
Bà Nguyễn Thị Bích, thôn phó thôn Nam Định (người đại diện thôn ký vào biên bản công an xã lập), cũng xác nhận việc khai thác, mua bán đá trên địa bàn diễn ra nhiều năm nay. Trong quá trình làm rẫy, đào hố tưới nước, người dân phát hiện nhặt về làm đá cảnh và mua bán. Nhiều người giàu nhờ đá nhưng không thấy ai cấm cản gì. Về việc công an xã lập biên bản tảng đá, bà khẳng định khi công an xã lập biên bản, tại hiện trường có ba máy múc. Riêng hòn đá sau đó được vận chuyển đi nơi khác thì bà không hề hay biết.
Về giá trị của hòn đá mà nhiều người cho là có giá hàng chục tỉ đồng (thực tế người dân địa phương đã bán với giá 20.000-50.000 đồng/kg), Đại tá Bùi Văn Khương nói không thể xác định giá trị tảng đá vì đây là đá cảnh, giá trị tùy thuộc vào định lượng của người chơi.
Theo luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, trong vụ việc trên, công an cần phải làm việc với các bên liên quan để xác định rõ hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển tảng đá canxedon trên để có giải pháp hỗ trợ người dân hay xử lý theo pháp luật. “Công an bắt giữ tảng đá khi nó đã được mua bán, vận chuyển trái phép là có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, công an cần giám định tảng đá để có hướng xử lý” - ông nói. |