Công an đánh mạnh tín dụng đen, cho vay qua app

(PLO)- Cùng với việc đánh mạnh tội phạm tín dụng đen, Bộ Công an còn đề xuất nhiều giải pháp căn cơ để người dân dễ tiếp cận vốn từ ngân hàng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công an cùng công an các địa phương liên tiếp triệt phá hàng loạt đường dây tín dụng đen và cho vay qua app - những ổ nhóm tội phạm khiến nhiều người rơi vào cảnh khốn cùng.

Công an triệt phá một đường dây tín dụng đen. Ảnh: TIẾN ANH

Công an triệt phá một đường dây tín dụng đen. Ảnh: TIẾN ANH

Lãi suất tới hơn 2.000%/năm

Tháng 5-2022, Công an TP Hà Nội phối hợp cùng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an và một số đơn vị liên quan triệt phá đường dây tín dụng đen thông qua hình thức cho vay qua app với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Trung bình mỗi tháng, số tiền nhóm này giải ngân cho vay khoảng 100 tỉ đồng.

26 người bị khởi tố để điều tra về các tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cưỡng đoạt tài sản… Nhóm này lập ba app cho vay “cashvn”, “vaynhanhpro” và “ovay”. Với thủ tục đơn giản, chỉ cần chụp ảnh CMND hoặc CCCD là nhanh chóng được vay trong thời gian ngắn với lãi suất lên tới 1.570%-2.190%/năm.

Khi người vay không trả đúng hạn thì sẽ nhận tin nhắn, cuộc gọi điện thoại khủng bố tinh thần, thậm chí cắt ghép hình ảnh của người vay và người thân tung lên mạng xã hội.

Theo công an, sơ bộ có gần 1 triệu người dính vào đường dây này.

Tín dụng đen có nhiều “đất sống” là bởi nhiều người còn khó tiếp cận được với nguồn tín dụng hợp pháp từ ngân hàng.

Trước đó, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an khởi tố Đào Xuân Thắng (31 tuổi, trú TP.HCM) cùng sáu bị can khác về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Thắng và một số đàn em từ Hải Phòng vào TP.HCM thuê chung cư để hoạt động cho vay lãi nặng với lãi suất 180%-1.738%/năm. Đối với những khách vay khoản tiền lớn, Thắng yêu cầu viết giấy tờ thế chấp, hợp đồng cầm cố tài sản hoặc hợp đồng ủy quyền sử dụng tài sản như ô tô, nhà cửa nhằm mục đích đảm bảo cho khoản vay. Nếu khách chậm trả hoặc không trả được nợ thì sẽ ép khách làm thủ tục sang tên tài sản.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Muốn ngăn chặn tín dụng đen phải có cả sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân, công an. Hiện nay, chúng ta đã có cơ sở dữ liệu dân cư, có sự kết nối giữa ngân hàng với công an để ít nhất khi một người vay vốn sẽ biết ngay được thân nhân mà không cần phải xác minh nhiều.

Ngân hàng cần nghiên cứu thêm về vấn đề tiếp cận vốn tín chấp vào sản xuất nông nghiệp còn khó khăn; chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng trong việc thẩm định các hồ sơ vay vốn tín chấp; các hộ nông dân cũng phải có dự án rõ ràng, khả thi, hiệu quả thì ngân hàng sẽ chia sẻ nhiều hơn…

Thủ tướng Phạm Minh Chính

chỉ đạo tại Hội nghị đối thoại với

nông dân ngày 29-5

Nhiều biện pháp “chặt vòi bạch tuộc”

Theo Bộ Công an, tín dụng đen thường núp dưới vỏ bọc cơ sở cầm đồ, dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính, chơi hụi, cho vay online…

Một trong những nguyên nhân giúp tín dụng đen có nhiều “đất sống” là bởi nhiều người còn khó tiếp cận được với nguồn tín dụng hợp pháp từ ngân hàng, do đòi hỏi nhiều điều kiện rất chặt chẽ; ngược lại tín dụng đen thủ tục thực hiện vô cùng đơn giản. Khách hàng của tín dụng đen thường đang ở trong hoàn cảnh “cùng quá hóa quẫn”, sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện, miễn có tiền giải quyết nhu cầu nóng và thường không nhận thức được mối nguy hiểm phía sau.

Thủ đoạn phạm tội của tín dụng đen ngày càng tinh vi, trong khi đó một số bị hại lại giấu thông tin, thậm chí không hợp tác với cơ quan điều tra hoặc bị đe dọa khống chế nên không dám tố giác, trình báo do sợ bị trả thù, sợ bị làm rõ việc vay tiền dùng vào một số việc bất chính… Đến khi cơ quan công an phát hiện, chứng cứ thu thập được bị hạn chế, khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Trước tình trạng tín dụng đen, cho vay qua app đang gây nhiều hệ lụy, Bộ Công an cho hay đã chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xử lý hoạt động liên quan đến tín dụng đen, nhất là các dịch vụ cho vay lãi nặng của các doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động biến tướng vay qua app trên các thiết bị điện tử.

Bộ này sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ TT&TT tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh tài chính, tiền tệ; kiểm tra, xử lý các dịch vụ cho vay lãi nặng trực tuyến.

Các cơ quan liên quan cũng tập trung phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Đặc biệt, Bộ Công an sẽ đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự. Cùng với đó, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý loại hình công ty cho vay trực tuyến, vay ngang hàng...•

Nghiên cứu mở rộng tiếp cận vốn ngân hàng

Theo Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan tín dụng đen; đồng thời ở nhiều đợt cao điểm phá các ổ nhóm tín dụng đen, bắt và xử lý nhiều đối tượng.

Bộ Công an đã triển khai hàng loạt giải pháp để trấn áp loại tội phạm nêu trên. Điển hình như việc trình Quốc hội sửa đổi một số điều luật để tăng cường xử lý tội phạm tín dụng đen; tăng cường gần 50.000 cán bộ công an, sĩ quan về làm công an xã, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường quản lý tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao để ngăn chặn ngay từ đầu…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm