Công nhân lo lắng khi tín dụng đen 'bủa vây' các khu công nghiệp

(PLO)- Tại các Khu công nghiệp ở tỉnh Bến Tre, tín dụng đen đang hoành hành khiến nhiều công nhân lao động và doanh nghiệp lo lắng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-5, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động (CNLĐ) tại các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi đối thoại vấn đề được nhiều CNLĐ quan tâm phản ánh với lãnh đạo tỉnh đó là trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, đời sống CNLĐ tại các KCN gặp nhiều khó khăn dễ rơi vào “bẫy” tín dụng đen.

“Tín dụng đen” uy hiếp, đăng hình vu khống để đòi nợ

Chị Nguyễn Kim Hằng (công nhân Công ty TNHH chế biến thủy sản Hùng Vương- Bến Tre) bày tỏ băn khoăn, cuộc sống CNLĐ có lúc lâm vào cảnh túng thiếu cần tiền gấp như: con ốm, nhà hết gạo, hết tiền… Bế tắc, công nhân đành tìm đến tín dụng bên ngoài để vay dù biết lãi suất rất cao bởi vay ở đây vừa nhanh gọn, có tiền liền tay.

Tuy nhiên khi đã sa chân vào “bẫy” tín dụng đen, CNLĐ đóng lãi trễ thì “lãi mẹ đẻ lãi con” dẫn đến không khả năng trả nợ.

Công nhân lao động bày tỏ lo lắng trước vấn nạn tín dụng đen. Ảnh: ĐH

Công nhân lao động bày tỏ lo lắng trước vấn nạn tín dụng đen. Ảnh: ĐH

Không đòi được nợ, những người cho vay truy tìm chỗ làm của “con nợ” để uy hiếp chủ tịch công đoàn hoặc quản lý công ty để đòi nợ.

“Tình trạng điện thoại đòi nợ ở công ty diễn ra hàng ngày, ngoài ra người cho vay còn đăng hình với những nội dung vu khống, chưa kể nhóm đòi nợ có đầy đủ thông tin cá nhân và gia đình, số điện thoại của chủ tịch công đoàn hoặc quản lý công ty… để đe dọa, uy hiếp đòi nợ.”– Chị Hằng lo lắng.

Hay anh Nguyễn Ngọc Hân (công nhân Công ty TNHH MTV Pungkook Bến Tre) cho biết, thời gian gần đây anh cảm thấy bất an khi nhóm người cho vay liên tục điện thoại đến phòng nhân sự của công ty để đòi tiền CNLĐ đã vay nợ. Ngoài ra nhóm người cho vay còn đem hình cá nhân “con nợ” đăng lên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự.

Các CNLĐ cũng bày tỏ mong muốn, chính quyền, ngành chức năng lực lượng công an vào cuộc đẩy lùi tín dụng đen.

Ông Lê Tuấn Kiệt – Phó Ban Quản lý các KCN tỉnh Bến Tre cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đời sống CNLĐ gặp khó khăn hơn. Lợi dụng tình trạng đó, khi nhu cầu cần tiền của CNLĐ tăng cao, những người hoạt động 'tín dụng đen' đã tìm cách tiếp cận để cho vay với lãi suất rất cao.

Theo ông Kiệt, đến nay đã có 13 doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn tỉnh phản ánh bị ảnh hưởng của 'tín dụng đen'. “Qua những lần doanh nghiệp phản ánh, BQL các KCN tỉnh đều báo cáo về chốt công an tại KCN và Phòng an ninh kinh tế Công an tỉnh để theo dõi, nắm bắt” – Ông Kiệt cho biết.

71 người hoạt động 'tín dụng đen' trong tầm ngắm của công an

Thực tế cho thấy, từ trước đến nay các đối tượng hoạt động cho vay 'tín dụng đen' đã nhắm đến là công nhân. Thủ đoạn hoạt động của nhóm này chủ yếu là quảng cáo cho vay tiền, phát tờ rơi tại các KCN.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Phích – Phó phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bến Tre, từ đầu năm đến nay Công an tỉnh đã tiếp nhận và phát hiện 13 nhóm 'tín dụng đen' gồm 71 người.

Công nhân phản ánh với lãnh đạo tỉnh về tìn hình tín dụng đen tại các KCN. Ảnh: ĐH

Công nhân phản ánh với lãnh đạo tỉnh về tìn hình tín dụng đen tại các KCN. Ảnh: ĐH

Trong đó, công an tỉnh đã mời gọi và làm việc 4 nhóm và 24 người có liên quan đến hoạt động 'tín dụng đen' và đang quản lý 9 nhóm với 46 người trong và ngoài tỉnh.

Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, CNLĐ cần cảnh giác khi chọn vay 'tín dụng đen'. Bởi hoạt động 'tín dụng đen' cho vay rất nhanh gọn nhưng hậu quả về sau không tốt.

“Trong những lúc túng thiếu, CNLĐ có thể vay mượn người thân, gia đình, bạn bè hoặc vào tổ chức tín dụng Qũy CEP của Công đoàn, hoặc ngân hàng chính sách xã hội để vay. Tránh vay 'tính dụng đen' bên ngoài bởi hậu về sau là không tốt” – Ông Tam chia sẻ.

Ngoài ra ông Tam cũng cho biết, thêm giải pháp nữa giúp CNLĐ vay tiền trong những lúc khó khăn đó là tổ chức tài chính vi mô của Hội LHPN các địa phương với thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Đây là tổ chức cho vay năng động sẽ hỗ trợ CNLĐ khi công nhân cần.

Ông Tam đề nghị, thời gian tới Hội LHPN tỉnh nên lập nhiều tổ chức tài chính vi mô của Hội LHPN tại các địa phương gần KCN để tạo điều kiện cho CNLĐ vay tiền.

Để chấn chỉnh tình trạng này, ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đề nghị ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bến Tre tham mưu và chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, các Qũy tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh chủ động đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân trong đó có CNLĐ.

Ông cũng đề nghị ngành công an tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt, xóa hoạt động 'tín dụng đen' trên địa bàn tỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm