Tín dụng đen ở Cần Thơ chuyển từ rầm rộ sang lén lút

(PLO)- Các công ty, nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen từ rầm rộ đang chuyển sang cầm chừng, lén lút tại Cần Thơ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP Cần Thơ vừa có báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen (TDĐ).

Hoạt động cầm chừng, lén lút

Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12, Cần Thơ đã tập trung tuyên truyền các quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng vay tài sản lãi suất trong các vụ việc dân sự; các văn bản quy định của cơ quan chức năng về cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, các khoản vay có ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó nâng cao công tác công tác kiểm tra, thanh tra xử lý các vi phạm vi phạm và phát hiện, tiếp nhận, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có liên quan đến hoạt động TDĐ.

Hai người rải tờ rơi cho vay tiền bị Công an xã Giai Xuân, huyện Phong Điền bắt quả tang. Ảnh: CACC

Hai người rải tờ rơi cho vay tiền bị Công an xã Giai Xuân, huyện Phong Điền bắt quả tang. Ảnh: CACC

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ đã có những chuyển biến tích cực, các công ty, nhóm đối tượng từ những địa phương khác đến hoạt động trên địa bàn giảm. Các vụ liên quan đến TDĐ như cố ý gây thương tích, huỷ hoại tài sản bằng tạt nước sơn, chất bẩn, các hình thức quảng cáo phát tờ rơi không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước.

Các đối tượng hoạt động TDĐ từ rầm rộ dán bảng quảng cáo cho vay công khai, mời chào dụ dỗ người đi vay chuyển sang hoạt động cầm chừng, núp bóng, lén lút, hoạt động lưu động, không có cơ sở, địa điểm cụ thể ở nhiều địa bàn địa phương khác nhau nhằm trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng.

Cần Thơ đã phát hiện, tiếp nhận, xử lý, điều tra 15 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen với 38 đối tượng, qua đó đã khởi tố 6 vụ với 20 đối tượng. Ngoài ra cơ quan chức năng còn xử phạt vi phạm hành chính 22 đối tượng trên các quận Bình Thủy vào Ô Môn về hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự, an toàn giao thông, xã hội.

Biến tướng App vay tiền online

Theo dự báo, thời gian tới tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thu thập của người lao động giảm, công nhân thất nghiệp, giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao. Đây là cơ hội để phát triển nhanh về hoạt động TDĐ. Số tiền thu lợi bất chính lớn cũng sẽ thu hút nhiều đối tượng tham gia dẫn đến tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ có nguy cơ bùng phát trở lại, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Đặc biệt, các đối tượng hoạt động TDĐ có xu hướng cấu kết với nhiều đối tượng hình sự, lưu manh, cộm cán hình thành những nhóm tội phạm hoạt động khép kín, lưu động trên địa bàn rộng hoặc sử dụng thủ đoạn núp bóng doanh nghiệp che giấu hoạt động TDĐ.

Đáng chú ý là loại hình cho vay tài chính qua mạng internet có xu hướng phát triển, hoạt động biến tướng, lách luật gây khó khăn trong công tác kiểm soát việc xử lý tội phạm tín dụng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, khẳng định thủ đoạn mới xuất hiện như vay online qua ứng dụng vay tiền trực tuyến thực chất là vay tín chấp, người vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập, khả năng trả nợ để cho vay.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ. Ảnh: HD

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ. Ảnh: HD

Các giao dịch được thực hiện trực tuyến thông qua các trang web hoặc ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động thông minh. Việc vay và cho vay tiền qua app rất dễ khiến người có nhu cầu vay tiền nhanh chóng được đáp ứng với một số thao tác đăng ký đơn giản.

“Có nhiều app cho vay biến tướng trở thành một dạng của TDĐ kéo theo nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Những người trả nợ đúng hẹn thì lần sau sẽ được cho vay số tiền cao hơn, ngược lại người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị nhân viên thu hồi nhắc nhở. Sau đó các đối tượng gọi điện thoại cho những người thân, bạn bè của người vay đe dọa, xúc phạm; đăng hình ảnh thông tin cá nhân lên trang mạng xã hội để gây áp lực buộc họ phải trả nợ.

Việc phát hiện khởi tố các vụ án, bị can phạm tội liên quan đến TDĐ tương đối phức tạp, khó khăn trong áp dụng các quy định pháp luật để xử lý. Bởi người vay và người cho vay che giấu giao dịch, nhiều trường hợp bị hại không trình báo, có tâm lý né tránh, không cung cấp tài liệu cũng như thông tin để cơ quan chức năng xử lý đối tượng phạm tội. Hiện chưa có văn bản hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay nặng lãi”, Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho hay.

Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật

Từ khi Quốc hội biểu quyết thông qua luật Đầu tư năm 2020 về cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thì các đối tượng đã chuyển sang hình thức công ty mua bán nợ. Loại hình này chưa phát triển mạnh mẽ nhưng diễn biến tương đối phức tạp, có thể làm mất an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Từ đó, Cần Thơ kiến nghị Bộ Công an tiếp tục đề xuất Chính phủ, Quốc hội bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến TDĐ. Đặc biệt là hệ thống pháp luật phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm cho vay nặng lãi và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan.

Kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chủ trương, giải pháp đồng bộ hỗ trợ người dân gặp khó khăn về kinh tế, tài chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách an sinh xã hội. Từ đó làm giảm điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm