Ngày 4-7, một lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết trong tháng 4-2016, ngay sau khi xảy ra hiện tượng cá biển chết dạt vào bờ, tổ công tác của Bộ Công an đã vào cuộc. Hiện nay tổ công tác đang trực tiếp làm việc và chỉ đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh trong công tác điều tra.
Cũng theo vị lãnh đạo này, sau khi làm rõ được nguyên nhân dẫn đến cá chết, tổ công tác đang làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các cá nhân liên quan...
Nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Đ.Lam
Cùng ngày, trả lời báo chí, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Sáng 4-7, cơ quan công an đã đến làm việc với ông và tiếp cận một số hồ sơ liên quan để làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân ở Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua. Theo ông Đinh, ngoài làm việc với ông, công an còn làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, chính quyền địa phương liên quan.
Theo thống kê, tỉnh Hà Tĩnh có 34 xã ven biển và 12 xã ven cửa sông thuộc sáu huyện, thị xã ven biển với hơn 268.000 người (ven biển gần 200.000 người, ven cửa sông hơn 70.000 người). Trong đó, hơn 16.000 hộ có lao động gắn với hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá với khoảng 80.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Công ty Formosa Hà Tĩnh.
Ngoài ra còn rất nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong các ngành, nghề liên quan đến biển như: Sản xuất muối, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ hải sản; kinh doanh dịch vụ hải sản, du lịch biển và các lĩnh vực khác… cũng đang bị ảnh hưởng.
Công ty Formosa Hà Tĩnh đã chính thức nhận trách nhiệm về việc trong quá trình vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy luyện thép đã xả thải gây ra nhiễm độc biển và cam kết đền bù, khắc phục hậu quả. Ảnh: Đ.Lam
Tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, khôi phục sản xuất cho người dân như: hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn thực hiện chuyển đổi ngành nghề. Ngư dân đóng mới tàu cá; tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản, được ngân sách hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu đến 400 triệu đồng/tàu (tùy theo công suất từ 250 CV/chiếc đến 400 CV/chiếc).
Ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ký Quyết định số 182 thành lập ban chỉ đạo phục hồi phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và đảm bảo an ninh trật tự sau sự cố môi trường.