Công an mời làm việc không đến có được không?

Giấy mời và Giấy triệu tập
Hiện pháp luật không quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được giấy mời của cơ quan công an, cơ quan nhà nước thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu.
Tuy nhiên, nếu cơ quan công an có gửi giấy mời đến phối hợp cung cấp thông tin để điều tra một vụ án hình sự thì người dân cần đến để hợp tác điều tra vụ việc. Trong trường hợp không thể đến theo đúng thời gian ghi trong giấy mời người dân có thể làm đơn nêu lý do vắng mặt gửi cơ quan công an. Sau đó, người dân nên đến cơ quan công an trong thời gian sớm nhất để phối hợp cùng cơ quan này làm rõ vụ việc, đồng thời để nắm được mình có liên quan như thế nào trong vụ án.
Theo quy định của BLTTHS năm 2015, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập.
Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ điều tra viên (cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác trong công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra), kiểm sát viên và thẩm phán là có thẩm quyền ký và sử dụng giấy này.
Bị can: Phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã (theo khoản 3 Điều 60).
Bị cáo: Phải có mặt theo giấy triệu tập của tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã (theo khoản 3 Điều 61).
Bị hại: Phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải; (theo khoản 4 Điều 62).
Người làm chứng: Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; (theo khoản 4 Điều 66)…
Thời hạn tạm giữ
Thời hạn tạm giữ không quá ba ngày kể từ khi cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.
Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá ba ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày.
Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.

Những hành vi bị nghiêm cấm trong tạm giữ, tạm giam:

Tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam;

Giam giữ người trái pháp luật; trả tự do trái pháp luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam;

Cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người...

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền:

Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm;

Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;

Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;

Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật…

(Trích Điều 8 và Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới