Công an TP.HCM nói về vi phạm quyền tự do dân chủ trên mạng

(PLO)- Theo Phó Giám đốc Công an TP.HCM, có nhiều người tưởng lên mạng xã hội là có thể nói gì thì nói, làm gì thì làm...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 7-5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 2 gồm Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của QH Đỗ Đức Hiển, Phó Giám đốc Công an TP.HCM Nguyễn Sỹ Quang, Bí thư Quận uỷ quận 1 Trần Kim Yến, đã có buổi tiếp xúc với cử tri các quận 1, 3, Bình Thạnh trước kỳ họp thứ ba, QH khoá XV.

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri có điểm cầu chính tại UBND quận 3. Ảnh: LÊ THOA

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri có điểm cầu chính tại UBND quận 3. Ảnh: LÊ THOA

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Ngô Thanh Loan, phường 27, quận Bình Thạnh, nêu vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng vi phạm.

Bà Hằng đã bị khởi tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo cử tri Loan, bà Hằng đã xuyên tạc, xúc phạm, chửi bới nhiều cá nhân, kể cả quan chức trong thời gian dài, đây là điều không thể chấp nhận được.

Trong đó việc tố cáo nghệ sĩ ăn chặn từ thiện khiến các ngành chức năng mất nhiều công sức, tiền của xác minh sự việc. Bà Hằng còn dùng mạng xã hội nhằm lôi kéo hàng trăm youtuber, gây mất lòng tin trong nhân dân.

Các ĐBQH TP.HCM trao đổi với cử tri bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA

Các ĐBQH TP.HCM trao đổi với cử tri bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA

“Đến giờ này, những fan cuồng của bà Hằng vẫn cho rằng bà bị phạt oan, cho rằng bà là người bảo vệ người yếu thế, lo cho dân; thậm chí tiếp tục ca ngợi bà” - cử tri Loan nói và bày tỏ bức xúc khi có luật sư, cả tri thức... cùng tham gia hỗ trợ, lên tiếng thay cho bà Hằng.

Cử tri Loan lo lắng việc này sẽ còn ảnh hưởng rất xấu trong xã hội, gây nhiều hệ luỵ sau này. Bà đề nghị cần xử nghiêm những người hùa theo bảo vệ bà Hằng.

Liên quan đến việc vi phạm quyền tự do dân chủ, ĐB Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, nhìn nhận quyền tự do dân chủ được quy định trong các văn bản pháp luật và thể hiện sự tự do dân chủ.

ĐB Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, trả lời cử tri về vấn đề vi phạm quyền tự do dân chủ. Ảnh: LÊ THOA

ĐB Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, trả lời cử tri về vấn đề vi phạm quyền tự do dân chủ. Ảnh: LÊ THOA

Theo ĐB Quang, pháp luật đảm bảo cho người dân có quyền tự do dân chủ nhưng người dân cũng phải tuân thủ quyền này, không thể dùng quyền này xâm phạm lợi ích riêng tư, quyền nhân thân và quyền lợi khác của nhà nước, của người dân.

ĐB Quang cho biết Việt Nam là đất nước được phổ cập internet mạnh mẽ, số người dùng mạng xã hội rất cao nhưng ý thức pháp luật và thái độ, kỹ năng còn hạn chế.

“Có nhiều người tưởng lên mạng xã hội nói gì thì nói, làm gì thì làm. Đây là điều không được mà chúng ta phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân” – ĐB Quang nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Giám đốc Công an TP, vừa qua Công an TP.HCM cùng các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quyền tự do dân chủ, theo mức độ từ thấp đến cao, chứ không hẳn chỉ xử lý hình sự. Trong đó có vụ xử lý theo hình thức khuyến cáo, gỡ bài, xin lỗi; phối hợp với Sở TT&TT TP.HCM xử lý vi phạm hành chính.

Ông thông tin, thời gian qua, Công an TP đã xử lý sáu vụ với tám bị can vi phạm Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015.

ĐB Nguyễn Sỹ Quang mong muốn tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc này. “Chúng ta không thể cho mình quyền như thế mà vi phạm quyền tự do dân chủ, vu khống người khác” – ĐB Quang nói thêm.

TP.HCM thu hồi 1.300 tỉ đồng từ tiền, tài sản tham nhũng

Nhìn nhận về tình hình an ninh trật tự (ANTT) năm 2021, đầu năm 2022 của TP.HCM, ĐB Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP, nhìn nhận bức tranh này rất nóng.

Bởi TP là đô thị đặc biệt, tình hình ANTT luôn là vấn đề trọng điểm, tội phạm luôn chiếm khoảng 10%.

Theo ĐB Quang, năm 2021, tỉ lệ phạm pháp hình sự của TP đã kéo giảm 22%, mức giảm lớn nhất từ trước đến nay, dĩ nhiên có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng không phủ nhận nỗ lực của hệ thống chính trị, đã không để xảy ra vụ án quá phức tạp như trước đây.

ĐB Quang cho biết trong bức tranh ấy có vấn đề đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Trong 10 vụ án được đưa vào diện Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương theo dõi thì TP.HCM có bốn vụ đang được Công an TP.HCM thụ lý và tám vụ việc khác nên khối lượng công việc rất lớn, chưa kể còn các vụ, việc khác do cơ quan khác thụ lý.

Vừa qua, cơ quan tố tụng TP đã thu hồi trên 1.300/1.600 tỉ đồng từ tiền phạm tội do tham nhũng (chiếm trên 81%). Cũng theo Phó Giám đốc Công an TP, trong việc phòng chống tham nhũng thì ngoài hoàn thiện pháp luật cần tiếp tục chấn chỉnh cơ chế, chính sách minh bạch để cán bộ không thể, không có điều kiện tham nhũng; chứ không phải đợi khi xuất hiện thì mới đấu tranh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm