Sáng 4-3, sinh viên D. cùng cha đến Công an TP.HCM nhận lại chiếc xe máy sau nhiều tháng công an tạm giữ. D. là sinh viên trong vụ việc “Đưa xe vi phạm về phường rồi mặc cả đòi tiền”mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh.
Vài ngày trước, D. gọi điện thoại cho chúng tôi, báo: “Chị ơi, Công an TP.HCM gọi điện thoại bảo em đến nhận lại xe...!”.
Công an hẹn 8 giờ sáng 4-3 tới trụ sở Công an TP.HCM nhưng hai cha con của D. đã có mặt từ 7 giờ. “10 giờ đêm qua tôi bắt xe đò từ An Giang lên đây, gần 5 giờ sáng tới nơi tranh thủ nghỉ xíu rồi hai cha con đến trụ sở công an” - ông T., cha sinh viên D., nói...
Một cán bộ ra đón D. vào trụ sở làm thủ tục nhận xe, chúng tôi cùng cha của D. ngồi bên quán nước ven đường chờ. Ông kể: Nhà chỉ có hai anh em, D. là con thứ, anh của D. bị tâm thần nhẹ phải uống thuốc điều trị hằng ngày, may mắn còn biết phụ mẹ nấu cơm. Trước khi nhập học, D. chạy Grab để phụ học phí cho cha mẹ, sau chuyển sang làm phụ bếp, mỗi giờ được 23.000 đồng.
Thanh tra Công an TP.HCM đưa bảo vệ dân phố Nguyễn Hoàng Minh về phường làm việc. Ảnh: TÂN - TRÀ
“Khi xảy ra việc, D. không cho ai hay. Tết về, nó bảo gửi xe lại trên TP.HCM. Khi kiểm tra ví, không thấy giấy tờ xe nên tôi gặng hỏi thì nó mới kể lại sự việc. Tôi tự tìm báo đọc mới biết... Nghề nào cũng có người này người nọ nhưng sao hành xử tệ quá” - ông T. nói.
Gần 11 giờ, D. bước ra cổng cười toe cùng chiếc xe của mình. “Công an bảo đưa em đi kiểm tra xe, mà phải đợi thêm ngày nữa. Cha bảo thôi về luôn, cha sửa cho. Em nghe bảo theo quy định phải kết thúc hồ sơ, ra tòa xử xong mới trả xe nhưng giờ công an đã trả, em có xe đi học rồi” - D. nói.
D. cho hay chiếc xe là món quà cha mẹ tặng ngày lên thành phố học. “Cha mẹ mua lại xe của người khác rồi cho em. Gia đình em không khá giả nên nó rất quý với em” - D. nói. D. cũng cho hay là không hối hận khi báo công an về sự việc của mình...
Như chúng tôi đã thông tin, tháng 12-2019, khi đi làm thêm về, sinh viên D. bị tổ công tác do Thiếu úy Phạm Thái Vinh (Công an phường 17, quận Bình Thạnh) và Nguyễn Hoàng Minh (là bảo vệ dân phố phường 17, quận Bình Thạnh) đi làm nhiệm vụ bắt giữ xe đưa về trụ sở Công an phường 17.
Sau đó, Thiếu úy Vinh đã ép buộc D. đưa tiền để “chuộc xe”. D. đã kể lại sự việc và chúng tôi đã liên lạc với giám đốc Công an TP.HCM báo cáo sự việc. Ngay sau đó, tổ công tác đã bắt giữ Minh khi người này đến nơi nhận tiền đưa về trụ sở Công an phường 17 làm việc. Sau đó, Thiếu úy Vinh bị tước danh hiệu công an nhân dân, khởi tố Vinh về tội cưỡng đoạt tài sản...
Sau nhiều tháng tạm giữ tang vật, ngày 4-3, Công an TP.HCM đã trả lại xe cho D...
Liên quan đến vụ việc này, nguồn tin của chúng tôi cho hay nhiều cá nhân tại Công an phường 17, quận Bình Thạnh cũng đã bị xử lý, kỷ luật nghiêm theo quy định.
Sinh viên D. viết thư cám ơn giám đốc Công an TP.HCM Sau khi sự việc được xử lý rốt ráo, D. đã viết bức thư cám ơn Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM. Trong thư, D. xưng con với người đứng đầu ngành Công an TP.HCM: “Ban đầu, khi xảy ra vụ việc, con rất hoang mang và lo lắng. Vì con là sinh viên không có đủ kinh tế, nên khi bị đe dọa mất xe, con rất lo sợ. Lúc đó, con cảm thấy mất niềm tin vào lực lượng chức năng và chỉ biết cầm cố tất cả gì con có để có đủ số tiền yêu cầu. Nhưng sau khi con liên hệ sự hỗ trợ của các anh chị báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh sự việc với chú và nhờ sự chỉ đạo nhanh chóng của chú đã giúp con phần nào yên tâm hơn. Con vẫn nhớ như in lúc ngồi ở quán cà phê, con nghe được chú Th., thanh tra công an, vừa đi từ ngoài vào, chú nói rằng: “Chú Phong bảo công gì thì công, làm bậy phải xử”. Lúc đó, dù không nói ra thành lời nhưng thực sự con biết ơn chú rất nhiều. Con tin rằng trên đời này vẫn còn rất nhiều người tốt. Các chú giúp con lấy lại niềm tin vào cuộc sống, lẽ phải và công bằng...”. |