Trước đó, ông Thiện có đơn gửi đến Công an quận 5 tố cáo vợ chồng bà Wong Ann, quốc tịch nước ngoài, đang cư trú bất hợp pháp tại căn nhà do ông làm chủ sở hữu ở địa chỉ 82 Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5.
Như Pháp Luật TP.HCM ngày 20-10 đã thông tin, năm 2015 ông Thiện mua căn nhà 82 Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5, TP.HCM) của bà Trần Hữu. Ngày 31-8, sau khi cả hai bên mua bán thực hiện đầy đủ thủ tục chuyển nhượng, căn nhà trên được sang tên đổi chủ. Tuy nhiên, đến khi nhận nhà thì hai người mà trước đây bà Hữu cho ở nhờ không chịu ra khỏi nhà. Theo ông Thiện, vừa làm xong thủ tục, gia đình ông chuẩn bị chuyển về thì phát hiện trong nhà có vợ chồng bà Wong Ann (quốc tịch Mỹ) - ông Yuan Chun Si (quốc tịch Đài Loan) kinh doanh tiệm giặt ủi tại căn nhà trên.
Căn nhà của ông Thiện đang bị vợ chồng bà Wong Ann chiếm dụng.
Lúc xảy ra vụ việc, ông Thiện có báo công an và UBND phường đến hỗ trợ cho gia đình ông vào nhà. Tuy nhiên, phía bà Ann vẫn không đồng ý. Vợ chồng bà Ann cho rằng họ đang là đại diện theo ủy quyền của một nguyên đơn có tranh chấp quyền sở hữu nhà với bà Trần Hữu được TAND quận 5 thụ lý năm 2014. Ông Thiện gửi đơn khiếu nại việc cư trú bất hợp pháp nói trên thì Công an phường 2, quận 5 khẳng định cơ quan này chấm dứt cho vợ chồng bà Ann đăng ký tạm trú kể từ ngày 14-9.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM ), hành vi sử dụng căn nhà nói trên của vợ chồng bà Wong Ann (quốc tịch Mỹ) - ông Yuan Chun Si (quốc tịch Đài Loan) nếu xử lý về tội chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 141 BLHS thì bắt buộc phải thỏa mặt khách quan của tội danh này là tài sản bị chiếm giữ có được từ việc bị giao nhầm hoặc do người thực hiện hành vi tìm được, bắt được, cố tình không trả mặc dù chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó. Ở đây nhóm người này ngang nhiên chiếm nhà chứ không hề bị giao nhầm hay tìm được, bắt được tài sản. Tuy nhiên, có dấu hiệu của tội sử dụng trái phép tài sản theo Điều 142 BLHS. Căn nhà của ông Tống Khánh Thiện đã được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận vào năm 2015. Việc vợ chồng bà Ann cố tình không chịu ra khỏi nhà, dù mình không phải là chủ sở hữu và sử dụng làm kinh doanh tiệm giặt ủi tại căn nhà trên là có dấu hiệu “vì vụ lợi”. Đồng thời, việc chiếm nhà của vợ chồng bà Ann đã gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng như việc bảo đảm quyền sở hữu tài sản của công dân. Hành vi này có thể được xác định là “gây hậu quả nghiêm trọng” theo Mục 3 Phần I của Thông tư liên tịch 02 năm 2001 giữa TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an và Bộ Tư pháp. “Hiện nay, tình trạng người không phải là chủ sở hữu cố tình không trả nhà, chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp tài sản của người khác xảy ra gây bức xúc trong dư luận và xâm phạm quyền lợi chính đáng của công dân. Vì vậy, cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý thay vì tìm cách “đẩy” qua tranh chấp dân sự” - luật sư Chánh nói.