Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố bảng xếp loại hơn 1.000 công ty môi giới nhân lực Đài Loan.
Bảng xếp loại này đánh giá theo các tiêu chí như chất lượng quản lý, xử lý vi phạm, chăm sóc khách hàng và các nội dung liên quan khác với thang điểm 100. Kết quả có 333 công ty môi giới xếp loại A, 662 công ty xếp loại B và 45 công ty xếp loại C.
Dựa trên thang điểm cho thấy công ty môi giới có điểm cao nhất gần 96 điểm. Còn công ty môi giới đội sổ hơn 36 điểm, trong đó điểm quản lý chất lượng và xử lý vi phạm và chăm sóc khách hàng lần lượt là 4, 10 và 15.
Còn phía Việt Nam theo danh sách cập nhật có hơn 100 công ty được giới thiệu để phía Đài Loan cấp phép đưa lao động sang làm việc. Các công ty này chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc.
Số người lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc chỉ sau thị trường Nhật.
Số liệu Cục Quản lý lao động ngoài nước cho thấy tính theo quy mô thị trường, số người lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc Đài Loan chỉ sau Nhật Bản với hơn 220.000 người.
Số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10-2019 hơn 13.400 lao động (trong đó có hơn 4.600 lao động nữ), bằng 92,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dẫn đầu thị trường thu hút lao động Việt Nam đến làm việc là Nhật Bản với hơn 8.320 lao động, trong đó có hơn 3.000 lao động nữ. Tiếp theo là Đài Loan với hơn 4.200 lao động, Hàn Quốc hơn 640 lao động, UAE là 42 lao động, Macao là 116 lao động, Ả rập - Xê út với 61 lao động và các thị trường khác.
Như vậy, tính chung 10 tháng đầu năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 118.030 lao động, trong đó thị trường Nhật Bản dẫn đầu số lao động Việt Nam sang làm việc với hơn 61.930 lao động, trong đó có 223.289 lao động nữ, Đài Loan là 45.390 lao động, trong đó có hơn 14.100 lao động nữ, Hàn Quốc hơn 6.540 lao động, Rumania hơn 1.100 lao động, Ả rập - Xê út là 878 lao động, Macao là 331, Malaysia là 318 lao động và các thị trường khác.