Chiều 13-10, Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp báo thông tin về việc phòng, chống lũ thời gian qua. PV các báo đặt nhiều câu hỏi xung quanh thiệt hại, dự báo mưa bão cùng việc xả nước ở các hồ thủy điện...
. Phóng viên: Thông tin nói mưa lũ bất thường, trái mùa, nước về hồ bất ngờ, dự báo mưa có vấn đề hay không?
+ Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Dự báo mưa là khó, mưa cực đoan càng khó hơn. Dự báo của thế giới ít có dự báo chính xác lượng mưa đến từng milimet, chỉ dự báo lượng mưa to hoặc nhỏ. Chúng tôi cũng nhận thức dự báo lượng mưa định lượng là rất quan trọng và cố gắng đưa ra được về định lượng mưa trong bản tin của mình. Liên tục được cập nhật. Càng gần sát khu vực thì càng chính xác hơn.
Đợt áp thấp vừa qua gây mưa rộng từ Quảng Nam ra đến Hòa Bình, Yên Bái. Chia làm hai đợt mưa trước và sau áp thấp. Dự báo cơ bản sát với thực tế. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố gây mưa cực đoan ở Hòa Bình chỉ trong vòng sáu tiếng với gần 300 mm, có ngày lên tới 500 mm. Ứng phó với lượng mưa cực đoan càng khó. Hoàn lưu sau bão thường mưa nửa đêm về sáng. Các bản tin buổi chiều rất quan trọng, vì vậy chỉ có thể dự báo xa. Tại thời điểm này rất khó khăn ứng phó và truyền tin.
. Bão số 10 mạnh như vậy nhưng thiệt mạng sáu người, nhưng áp thấp nhiệt đới thiệt hại đến 55 người (đến thời điểm này) và hàng chục người còn đang mất tích. Điều này có nguyên nhân chủ quan không?
+ Ông Trần Quang Hoài, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai: Thiệt hại về người lớn nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là Yên Bái, Hòa Bình. Cái này có nguyên nhân chủ quan. Chúng ta đi đường thấy người dân xây nhà ven sông suối, ven núi. Theo thống kê điều tra của chúng tôi thì khu vực miền núi có tới 100.000 ngôi nhà phải di dời vì ở gần núi, bờ sông, suối nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét cao. Cái này do đặc thù địa hình, do thiếu đất ở. Chính phủ đã có đề án di dời nhưng chưa có kinh phí.
Bên cạnh đó, khu vực miền núi hệ thống thông tin hạn chế, nhiều khu vực không đến được. Trong thời gian tới phải phát huy tổng lực các hệ thống thông tin, trong đó có báo chí, hiện những vùng không có truyền hình thì rất khó khăn.
. Quy trình vận hành liên hồ chứa đã có nhưng vừa rồi làm quy trình ngược. Tại sao dừng phát điện Sơn La, mở tám cửa xả đáy Hòa Bình. Làm như vậy có phù hợp?
+ Ông Trần Quang Hoài: Theo quy trình vận hành, từ ngày 5 đến 7-10 được tích đến cao trình 117 m. Khi lũ về thì được phép xả sáu tiếng/lần. Nhưng tại Điều 12 của quy trình vận hành, nếu tình huống khẩn cấp được xả cấp tập để đảm bảo an toàn cho công trình. Đối với thủy điện Hòa Bình vừa rồi cũng vậy, nếu hồ không an toàn thì thảm họa của đất nước. Tôi có ở hồ lúc đó, nước đã vượt qua cửa van tum, nếu các cây gỗ to va vào gây hư hại cửa van thì tác hại không lường được. Việc xả lũ vừa rồi hoàn toàn đúng quy trình.
Còn đóng hồ Sơn La, đây là hành động linh hoạt, chính xác. Vì nếu không đóng sẽ gây áp lực thêm cho hồ Hòa Bình, có thể khiến hồ này phải xả đến 9-10 cửa xả đáy.
“Vỡ đê ở Hà Nội là có kế hoạch” Thông tin về vụ đê Hữu Bùi tại xã Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ) bị vỡ sáng 12-10, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, nói: Nói vỡ đê thì chưa hẳn đúng mà trong quá trình nước tràn thì một điểm đê ứ, bị mất chân và phá luôn điểm đó… Nhìn vào nói vỡ nhưng chúng ta có thể nói là có vỡ nhưng vỡ có kế hoạch, vỡ nằm ở trong khu thoát lũ chứ không phải bất ngờ. |