Công bố quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040

(PLO)- Vừa qua, ngày 19-4, UBND huyện Dầu Tiếng đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư huyện Dầu Tiếng - tỉnh Bình Dương năm 2024. Đến dự có Đại tá Nguyễn Hoàng Minh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Công bố quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040
Lãnh đạo HĐND tỉnh và các sở, ngành tỉnh trao tặng hoa chúc mừng hội nghị

Theo đồ án quy hoạch, toàn bộ huyện Dầu Tiếng được chia thành 5 phân vùng phát triển, dựa trên thế mạnh, tiềm năng sẵn có và tài nguyên của từng khu vực.

Từ nay đến năm 2030, trên địa bàn sẽ phát triển thêm 3 thị trấn gồm Thanh Tuyền, Long Hòa, Minh Hòa; đồng thời phấn đấu các khu vực xã Thanh An, An Lập, Long Tân, Định Hiệp đạt các tiêu chí đô thị loại V; phấn đấu huyện đạt các tiêu chí của đô thị loại IV.

Giai đoạn từ 2031 đến 2040 sẽ nâng cấp huyện lên thị xã và tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh tiêu chí thị xã. Cùng với đó, huyện sẽ tăng cường tập trung phát triển các khu - cụm công nghiệp đi đôi với phát triển hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, nhằm gia tăng tốc đô thị hóa của huyện, dự kiến giai đoạn từ nay đến năm 2030, tốc độ đô thị hóa của huyện sẽ đạt mức cao nhất.

Với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, huyện tiếp tục triển khai 2 khu công nghiệp đã có chủ trương quy hoạch gồm: Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng khoảng 107,8 ha thuộc huyện Dầu Tiếng và Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng khoảng 107,8 ha. Ngoài ra sẽ bố trí thêm 3 khu công nghiệp và 11 cụm công nghiệp tạo động lực phát triển và công ăn việc làm ổn định cho người dân trên địa bàn huyện.

Trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, 4 khu du lịch lớn được ưu tiên phát triển tại hồ Dầu Tiếng, khu vực ven sông Sài Gòn, đập Thị Tính và hồ Cần Nôm với tổng diện tích quy hoạch khoảng 3.580 ha, kết hợp đa dạng các loại hình du lịch từ sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp sân golf nhằm nâng cao chất lượng du lịch của địa phương.

Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, để tăng vai trò đầu mối giao thông và tính liên kết giữa huyện Dầu Tiếng trong khu vực, tăng tính liên kết và giao thương khu vực, huyện Dầu Tiếng dự kiến sẽ triển khai phát triển hạ tầng đồng bộ, với các tuyến giao thông huyết mạch sẽ được nâng cấp và mở rộng như tuyến quốc lộ 56, ĐT.744, ĐT.745 (Vành đai 5), ĐT.748, ĐT.750.

Công bố quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng trao quyết định quy hoạch huyện Dầu Tiếng.

Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị số 7 Mỹ Phước - Dầu Tiếng đi qua địa bàn huyện, có chiều dài 38.8 km sẽ được xây dựng sau năm 2025. Kết hợp cùng tuyến đường sắt Mộc Bài - Bàu Bàng để kết nối, vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Mộc Bài đi qua tỉnh Tây Ninh và qua địa bàn huyện Dầu Tiếng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, sau đó về ga An Bình tại TP. Dĩ An để đến cảng Cái Mép thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết hợp việc đẩy mạnh khai thác các tuyến đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn, xây dựng mới 03 cảng Thanh An, Phú Cường Thịnh và Thế Giới Nhà giúp việc giao thương hàng hóa nhanh chóng, góp phần thúc đẩy giao thương khu vực.

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Hòa và xã Minh Tân. Đồng thời, tăng cường phát triển vùng chuyên canh cây có múi khu vực sông Sài Gòn, sông Thị Tính và các hồ, kênh suối trên địa bàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát triển vùng chăn nuôi tập trung ở xã Minh Thạnh...

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết: Việc công bố đồ án quy hoạch nhằm xây dựng định hướng phát triển không gian cho toàn huyện, đảm bảo tính hài hòa, đồng bộ, gắn kết giữa huyện Dầu Tiếng với các huyện thị lân cận cũng như tính thống nhất cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đồng thời, đồ án còn là cơ sở pháp lý để quản lý quy hoạch và xây dựng trên toàn huyện được đồng bộ và thống nhất.

Đặc biệt, hội nghị còn có sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các vùng lân cận đến tham dự. Tại đây, đại diện các doanh nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác, xúc tiến đầu tư huyện Dầu Tiếng năm 2024. Thông qua lễ ký kết sẽ giúp huyện Dầu Tiếng và doanh nghiệp thiết lập cơ chế triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cùng hợp tác, phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế của huyện Dầu Tiếng và toàn tỉnh Bình Dương nói chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm