Như vậy, với 2 tuyến vận tải ven biển mới này sẽ nối vào tuyến đang hoạt động là Quảng Ninh - Quảng Bình tạo thành tuyến vận tải ven biển thông suốt từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Tuyến Quảng Bình đến Bình Thuận có chiều dài bờ biển 858 km đi qua các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuyến Kiên Giang đến Bình Thuận có chiều dài bờ biển 700 km đi qua các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa -Vũng tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Qua khảo sát của Cục Hàng hải Việt Nam, nhu cầu vận chuyển hàng hoá trên các tuyến vận tải này là rất lớn. Chỉ tính riêng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt khoảng 51,5 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu vận chuyển hơn 2,1 triệu tấn vật tư, cấu kiện bê tông, để cung ứng cho dự án thi công luồng tàu biển vào sông Hậu và các công trình phụ trợ được đúc tại bãi ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn tại Bình Thuận, nhu cầu vận chuyển vật tư, trang thiết bị phục vụ xây dựng nhà máy Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân cũng như thi công các công trình bến cảng chuyên dùng Vĩnh Tân cũng rất lớn.
Theo tổng kết sau khi tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh đến Quảng Bình, nhiều doanh nghiệp hiện đã chuyển sang vận tải ven biển do giá cước rẻ hơn so với vận chuyển đường bộ. Báo cáo của các doanh nghiệp gửi về Cục Hàng hải Việt Nam, cước vận tải đường bộ từ Hải Phòng đi Thanh Hóa cho một container 20 feet vào khoảng 10 đến 12 triệu đồng; đi Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 18 đến 20 triệu đồng.Trong khi vận tải bằng đường thủy từ Hải Phòng đi Thanh Hóa chỉ 2,4 triệu đồng, đi Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 3 đến 3,2 triệu đồng. Về thời gian vận chuyển từ Hải Phòng đi Thanh Hóa bằng đường bộ khoảng 6 giờ, trong khi bằng đường thủy khoảng 10 giờ.
Theo TTXVN