Chiều 12-7, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức hội nghị nghe góp ý về dự thảo báo cáo tổng kết nghị quyết 54/2017 và báo cáo sơ kết một năm thực hiện nghị quyết 131/2020.
Tại hội nghị, nhiều ĐB bày tỏ quan tâm đến vấn đề thu nhập của cán bộ và việc phân bổ biên chế để đáp ứng nhu cầu công việc.
ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM, cho rằng TP cần tiếp tục duy trì đề xuất thu nhập tăng thêm cho cán bộ.
Ông Nguyễn Thiện Nhân góp ý về nghị quyết 54. Ảnh: LÊ THOA |
Theo ông Nhân, TP.HCM là nơi đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, chiếm tỉ lệ 57%. Trong đó trên mỗi km2, TP đóng thuế gấp 40 lần cả nước. Đây cũng là địa phương có tỉ lệ người dân tính trên đầu cán bộ công chức (CBCC) lớn nhất cả nước, tức một công chức của TP phục vụ cho số người dân lớn nhất cả nước.
ĐB Nhân cho rằng nếu không lưu ý đặc điểm này mà cứ áp một số lượng công chức cho một quận, huyện thì rất bất hợp lý.
Ông phân tích, cả nước có 705 quận, huyện, TP trực thuộc; bình quân mỗi quận huyện có 137.000 dân còn bình quân một quận, huyện của TP có 441.000 dân. Tức dân số quận huyện của TP bằng 3,2 lần dân số của quận huyện bình quân cả nước.
“Chúng ta cứ nói sao người dân không hài lòng, hồ sơ chậm vì một người phục vụ dân số gấp 3,2 lần”- ông Nhân nói và cho rằng với áp lực này sẽ gây ra tình trạng quá tải hoặc sai sót, sự cố. Do đó, biên chế của quận và phường phải có yếu tố liên quan đến dân số.
Ông cũng tiếp tục dẫn chứng ở TP có những quận, phường có dân số cực lớn. 10 quận, huyện có dân số từ 450.000 người trở lên, năm xã có dân số từ 100.000 người trở lên. Như quận Bình Tân có dân số 811.000 người, gấp khoảng năm lần bình quân một quận cả nước. Trong một lần đi thực tế ở huyện Bình Chánh, ông thấy UBND huyện, xã ở địa phương này đèn sáng trưng từ 6 giờ 30 phút sáng.
Nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM cho rằng vì TP có dân số đông, khi thực hiện Nghị quyết 131 về chính quyền đô thị đã bớt đi HĐND quận, huyện, phường, xã là để quyết định mọi việc được nhanh hơn, đến với dân, nghe dân trực tiếp hơn và khi làm nhanh hơn. Tuy nhiên qua một năm thực hiện, mục đích này chưa đạt được vì một phần vướng các bất cập nêu trên.
Từ thực tế nêu trên, ĐB Nguyễn Thiện Nhân đề xuất cứ dân số của đơn vị hành chính bằng 200% dân số bình quân cả nước thì xin thêm 15% biên chế.
Cùng góp ý kiến, ĐB Trần Kim Yến, Bí thư quận 1, nhìn nhận hiện có nhiều ý kiến cho rằng cần phân bổ số lượng CBCC dựa theo dân số tại địa bàn. Nhưng theo bà, tiêu chí đánh giá không chỉ ở số dân mà còn nhiều yếu tố khác.
“Nên chăng đặt ra vấn đề theo hướng từ tổng số CBCC được phân bổ, tùy theo đặc thù mỗi đơn vị, địa phương thì TP có điều chỉnh sao cho phù hợp với khối lượng công việc”- bà nêu ý kiến.
ĐB Trần Kim Yến cũng nói, TP có đề án về vị trí việc làm nên mỗi vị trí việc làm có thể có nhiều nhân sự, đảm bảo số lượng CBCC đó đáp ứng nhu cầu của công việc.
Bà nói, không phải chỉ vấn đề đông dân mà có những quận, huyện số dân của họ không đông, số người thường trú, cư ngụ thực tế không đông như số người đến làm việc lại đông.
Ví dụ như ở quận 1, dân cư ngụ không đông nhưng trong 16 tiếng mỗi ngày thì quận 1 có khoảng 1 triệu người đến làm việc, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, các sự kiện tại địa bàn.
“Khối lượng công việc CBCC phải giải quyết rất nhiều, đến 2-3 giờ sáng mới về đến nhà nhưng 7 giờ sáng phải quay trở lại công việc”- bà nói và cho rằng việc phân bổ CBCC còn cần phải dựa theo khối lượng công việc chứ không chỉ dựa vào số dân.
Bà nêu tiếp, tới đây TP bắt đầu triển khai thực hiện dự án Vành đai 3 thì CBCC tại nơi chịu ảnh hưởng phải giải quyết rất nhiều đầu việc, rất áp lực; cần có tính toán để phân bổ CCBC phù hợp, tránh quá tải trong công việc.
Bà nói thêm, hiện quận, huyện muốn thực hiện một công trình thì phải chờ TP, tất cả công việc ngày xưa chia đều cho các quận, huyện thì bây giờ tập trung về Sở Tài chính. “Nhưng sở này vẫn phải giảm CBCC thì cán bộ ít đi, việc thì nhiều hơn mà một người ký thì sẽ ách tắc ngay”- bà nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cảm ơn sự góp ý toàn diện, chi tiết trên tinh thần hết sức thẳng thắn và cho biết TP sẽ “gia công” thêm từ những góp ý của các ĐBQH để làm rõ những mặt được, chưa được khi thực hiện Nghị quyết 54, nêu rõ nguyên nhân. Từ đó, TP sẽ đánh giá xem những gì nên kế thừa và tiếp tục bổ sung.
“Nhất là những cơ chế, chính sách bổ sung mới phải giúp TP thực hiện được vị trí, vai trò, sứ mệnh của đầu tàu. Đây phải thật sự là những cơ chế đặc thù, vượt trội” – ông Phan Văn Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết từ đây cho đến hết tháng 7, Ban biên soạn cố gắng hoàn thiện báo cáo để trình Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM. Sau đó, TP sẽ tiến hành làm việc với các cơ quan trung ương, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội, để đủ điều kiện trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2022.