Ngày 1-4, tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Nhiều ý kiến về giới hạn tuổi công chứng viên hành nghề
Một trong những điểm mới đáng chú ý, khi quy định về tiêu chuẩn công chứng viên, điều 8 dự thảo bổ sung điều kiện “không quá 70 tuổi và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng”.
Đồng thời, để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng, dự thảo Luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là hai năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Quy định này cũng nhằm tránh tình trạng giảm đột ngột số lượng công chứng viên hành nghề, bảo đảm có thời gian chuyển tiếp để bổ nhiệm công chứng viên thay thế số lượng công chứng viên trên 70 tuổi thôi hành nghề.
Thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với việc bổ sung quy định về giới hạn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên như quy định của dự thảo Luật.
Tham gia thẩm tra, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị quy định giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên là không quá 65 tuổi.
Trong khi Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc quy định về độ tuổi được thực hiện hoạt động công chứng của công chứng viên vì có thể làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Cạnh đó, có ý kiến cho rằng công chứng viên cao tuổi có nhiều kiến thức và kỹ năng hành nghề công chứng, nếu dự thảo Luật giới hạn cứng nhắc độ tuổi hành nghề sẽ gây lãng phí xã hội. Do vậy, ý kiến này đề nghị không giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên mà nên quy định điều kiện bảo đảm sức khỏe như đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc giới hạn một độ tuổi hành nghề nhất định nhưng phải trên 70 tuổi.
Nội dung mới đáng chú ý khác, dự thảo Luật quy định giảm thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm công chứng viên từ 5 năm xuống còn 3 năm; hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên giảm từ 7 loại giấy tờ xuống còn 3 loại giấy tờ.
Bốn loại giấy tờ được cắt giảm gồm giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo/bồi dưỡng nghề, giấy chứng nhận đạt kết quả kiểm tra tập sự, bằng cử nhân luật và phiếu lý lịch tư pháp.
Đề xuất cắt giảm 4 loại giấy tờ khi bổ nhiệm công chứng viên
Ba loại giấy tờ được giữ lại là đơn đề nghị bổ nhiệm, giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật và giấy chứng nhận sức khoẻ.
Theo cơ quan soạn thảo, đề xuất này nhằm thực hiện chủ trương, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giảm tải thủ tục, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ trong thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên nhằm xác nhận việc đáp ứng các yêu cầu về nội dung, điều kiện bổ nhiệm.
Do vậy, cần làm rõ nếu trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên không có các giấy tờ nêu trên thì việc kiểm soát điều kiện bổ nhiệm công chứng viên được thực hiện thông qua phương pháp nào…
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ quy định “giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật” gồm những ngành, nghề gì trong xã hội để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Không còn đối tượng được miễn đào tạo nghề
Liên quan đến quy định về đào tạo nghề công chứng, dự thảo Luật quy định những đối tượng đang được miễn đào tạo nghề và tham gia bồi dưỡng nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng hiện hành, sẽ phải tham gia đào tạo nghề nhưng được giảm thời gian đào tạo nghề công chứng.
Cụ thể, Điều 9 dự thảo Luật quy định thời gian đào tạo nghề công chứng là 12 tháng, trừ những đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 9 có thời gian đào tạo là sáu tháng.
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá quy định của dự thảo Luật là phù hợp nhằm nâng cao chất lượng công chứng viên, tăng cường bảo đảm sự ổn định, an toàn của các hợp đồng, giao dịch có quy mô ngày càng lớn, diễn ra thường xuyên và phức tạp hơn trong đời sống kinh tế - xã hội.
Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đối với việc xác định nhóm đối tượng được đào tạo nghề công chứng sáu tháng để vừa đáp ứng nhu cầu được hành nghề công chứng của những đối tượng này, phù hợp với năng lực, kinh nghiệm mà họ đã tích lũy được nhưng vẫn phải bảo đảm nâng cao chất lượng của đội ngũ công chứng viên.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thời gian đào tạo 12 tháng là quá dài và không cần thiết. Ý kiến này đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá kỹ lưỡng hơn những bất cập (nếu có) của quy định hiện hành về thời gian đào tạo nghề công chứng, thời gian tập sự hành nghề công chứng, miễn đào tạo nghề công chứng. Đồng thời bổ sung số liệu chứng minh về thực trạng vi phạm của công chứng viên được miễn đào tạo nghề công chứng dẫn đến cần phải có sự thay đổi về chính sách…
Ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về cơ sở đào tạo nghề công chứng, nội dung, chương trình đào tạo nghề công chứng thay vì giao cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định nhằm nâng cao tính cụ thể, minh bạch của Luật.
Có ý kiến đề nghị cần xem xét, thực hiện xã hội hóa việc đào tạo nghề công chứng để nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm yêu cầu thiết thực, hiệu quả. Bộ Tư pháp chỉ quản lý nhà nước đối với công tác này thông qua việc quy định khung chương trình đào tạo và kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo.
Những người được giảm 1/2 thời gian đào tạo nghề công chứng theo
- Người đã có thời gian từ đủ 05 năm trở lên làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên chính thi hành án dân sự, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành tư pháp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật;
- Luật sư, thừa phát lại, đấu giá viên đã hành nghề từ đủ 05 năm trở lên;
- Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật;
- Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành toà án; kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự; chấp hành viên cao cấp thi hành án dân sự; trợ giúp viên pháp lý hạng I, thanh tra viên cao cấp ngành tư pháp; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật”.
Khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật Công chứng sửa đổi