Công chứng viên không phát hiện giấy tờ giả có phải bồi thường?

Trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức sau đây, cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét trách nhiệm của tổ chức hành nghề công chứng.

ý kiến cho rằng TAND Tối cao cần ban hành một nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hay án lệ về trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng liên quan đến loại tội phạm này.

Làm giả, sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo

TAND TP Đà Nẵng đã xử sơ thẩm, phạt Nguyễn Đua (sinh năm 1991, quê Đà Nẵng) 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Cuối tháng 11-2019, Đua mua ô tô hơn 1,3 tỉ đồng, thế chấp xe để vay 860 triệu đồng. Ngân hàng giữ giấy chứng nhận đăng ký xe.

Bị cáo Nguyễn Đua tại tòa trong vụ án lừa đảo và làm giả con dấu, tài liệu. 
Ảnh: T.AN

Đua đặt làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe rồi ngày 15-4-2020 đem xe cùng giấy tờ giả đến cầm cho anh Huỳnh Vũ Quốc vay 550 triệu đồng, thời hạn vay một tháng.

Ngày 15-5-2020, Đua thỏa thuận bán xe cho anh Trần Ngọc Anh với giá 700 triệu đồng. Đua hẹn anh Ngọc Anh và anh Quốc đến Văn phòng công chứng (VPCC) Điện Nam - Điện Ngọc tại thị xã Điện Bàn, Quảng Nam để các bên thống nhất việc mua bán.

Công chứng viên (CCV) đã công chứng hợp đồng mua bán xe với giá ghi trong hợp đồng là 50 triệu đồng. Tại VPCC, anh Ngọc Anh trả Đua 150 triệu đồng tiền mặt và hai lần chuyển khoản tổng cộng 550 triệu đồng vào tài khoản mang tên Huỳnh Vũ Quốc theo yêu cầu của Đua.

Sau đó, anh Ngọc Anh mang hồ sơ xe đến Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng làm thủ tục sang tên thì phát hiện giấy chứng nhận đăng ký xe là giả.

Trước đó, TAND TP Đà Nẵng cũng xét xử một vụ án tương tự. Theo nội dung vụ án, tháng 12-2016, Lê Thiện Chân Phương mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở giả đối với nhà, đất tại 90 Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê) để vay tiền bà Trần Thị Cẩm Tiên. Bà Tiên chấp nhận cho vay 1,5 tỉ đồng (thời hạn vay ba tháng) theo hình thức lập hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà và đất nói trên cho con trai nuôi của bà. Ngày 19-12-2016, tại VPCC Sông Hàn, hai bên ký xong hợp đồng công chứng.

Hai bên thỏa thuận, hết thời hạn vay mà bà Phương trả được thì bà Tiên sẽ căn cứ giá thị trường để mua lại căn nhà này và số tiền đã đưa coi như đặt cọc…

Ngày 31-5-2017, bà Tiên liên hệ Văn phòng Đăng ký đất đai quận Thanh Khê để làm thủ tục sang tên đổi chủ thì phát hiện giấy tờ nhà không có giá trị pháp lý.

 

Cần hướng dẫn cụ thể của Tòa Tối cao

Khi xảy ra sự cố, tổ chức hành nghề công chứng thường cho rằng không chịu trách nhiệm về tính xác thực của giấy tờ. Trong khi đó, người yêu cầu công chứng tin tưởng vào tổ chức công chứng nên mới đến yêu cầu công chứng.

Việc các cơ quan tiến hành tố tụng quy kết mọi hành vi vi phạm pháp luật cho mỗi bị cáo sẽ có khả năng tạo điều kiện cho các giao dịch vi phạm pháp luật được tự do công chứng. Do đó, TAND Tối cao cần có một nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hay án lệ cho tội phạm này.

Luật sư NGUYỄN PHƯỚC CỬĐoàn Luật sư TP Đà Nẵng

Trách nhiệm của công chứng viên

Trong vụ án lừa đảo và làm giả giấy tờ nhà, đất nêu trên, đề cập đến trách nhiệm của VPCC Sông Hàn, HĐXX cho rằng trước khi công chứng vào hợp đồng chuyển nhượng, CCV đã kiểm tra đầy đủ tính hợp pháp của các loại giấy tờ nhưng không xác định được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở do bà Phương cung cấp là thật hay giả bằng mắt thường. Do đó, có căn cứ để không xem xét trách nhiệm của CCV.

Bà Tiên đã kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm buộc VPCC Sông Hàn bồi thường gần 2 tỉ đồng nhưng không được chấp nhận.

Một vụ án khác tại TP.HCM, cuối năm 2016, bà Vương Thị Hiền rao bán thửa đất ở quận 2. Sau đó có người tên M đến gặp bà Hiền hỏi mua đất và yêu cầu xem bản chính sổ hồng, các giấy tờ liên quan đến nhân thân và hẹn ngày quay lại đặt cọc. Sau đó, M cùng hai người khác quay lại gặp bà Hiền và đánh tráo sổ hồng giả (đã chuẩn bị sẵn) để lấy bản chính sổ hồng thật.

Tiếp đó, M đưa sổ hồng cho Lê Thị Mỹ Dung thuê người đóng giả bà Hiền, còn Lê Văn Trợ đóng giả chồng bà Hiền để ra công chứng ủy quyền bán đất. Dung nhờ CCV thuộc VPCC Phú Nhuận làm hợp đồng ủy quyền cho Nguyễn Thị Hồng Hạnh được toàn quyền quyết định đối với thửa đất của vợ chồng bà Hiền. Sau khi đăng bộ sang tên xong thì thửa đất này được các đối tượng làm giả bán lại cho người khác với giá 7,5 tỉ đồng trong khi bà Hiền không hề hay biết.

Tháng 12-2016, khi chủ đất mới đi đăng bộ sang tên thì bà Hiền mới biết và yêu cầu ngăn chặn. Lúc này UBND quận 2 kiểm tra sổ hồng mà bà Hiền đang giữ thì mới biết đây là giấy giả, còn giấy thật đã bị đánh tráo.

Tháng 10-2019, TAND TP.HCM phạt Dung 13 năm tù, Trợ bảy năm tù, cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa buộc hai bị cáo liên đới bồi thường cho bị hại hơn 4,9 tỉ đồng. Nếu hai bị cáo không có khả năng bồi thường thì VPCC Phú Nhuận, nơi công chứng hợp đồng ủy quyền, phải có nghĩa vụ bồi thường thay.

Tuy nhiên, tháng 5-2020, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã sửa án phần trách nhiệm dân sự, VPCC không có trách nhiệm liên đới bồi thường. Bởi lẽ hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện công chứng viên trong khi thực hiện công chứng ủy quyền đã biết việc các bị cáo, đối tượng liên quan thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của bị hại hoặc đã có sự bàn bạc, cố ý tạo điều kiện cho các bị cáo, đối tượng liên quan thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra, VKS cũng không buộc công chứng viên có hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

 

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng

Điều 38 Luật Công chứng quy định: “Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng”. Tương tự, Điều 44 Nghị định 23/2015 cũng quy định: “Người thực hiện chứng thực gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức do lỗi của mình thì sẽ bị xử lý kỷ luật, bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Theo điểm d và điểm g khoản 2 Điều 17 Luật Công chứng sửa đổi 2018 thì CCV có nghĩa vụ giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng và chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình.

Nếu vụ án có liên quan đến trách nhiệm giải thích của CCV, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng thì tòa án xem xét đưa tổ chức hành nghề công chứng vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...