Công dân Mỹ Aijalon Mahli Gomes, 38 tuổi, từng bị Triều Tiên bắt giam và cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đích thân sang thương lượng cứu về được phát hiện bị lửa thiêu chết tại công viên Mission Bay ở TP San Diego, California (Mỹ).
Khuya 17-11, một cảnh sát tuần tra giao thông California đã phát hiện anh Gomes đang chìm trong lửa và dừng lại giúp dập lửa và gọi cứu hỏa, nhưng anh đã chết tại hiện trường. Điều tra ban đầu cho thấy đây có thể là tai nạn hoặc tự sát, khả năng bị giết bị loại trừ. Tuy nhiên kết luận cuối cùng còn chờ điều tra toàn diện cái chết bí ẩn này.
Anh Gomes bị Triều Tiên bắt hồi tháng 1-2010 khi vào nước này từ phía Trung Quốc, bị tuyên 8 năm tù khổ sai cộng với khoản phạt 600.000 USD vì tội xâm nhập trái phép và có hành động thù địch. Tháng 8-2010 anh được Triều Tiên trả tự do sau khi đích thân cựu Tổng thống Jimmy Carter sang thương lượng.
Anh Aijalon Mahli Gomes (phải) được cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (trái) đưa về Mỹ. Ảnh: FOX NEWS
Anh Gomes vừa chuyển từ TP Boston (bang Massachusetts) sang TP San Diego không lâu. Cái chết đặt ra câu hỏi về cuộc sống của anh sau khi được cứu về từ Triều Tiên.
Truyền thông lúc đó chủ yếu tập trung vào cựu Tổng thống Carter và liệu ông có gặp lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là ông Kim Jong-il hay không, không đề cập nhiều đến chuyện anh Gomes. Bản thân cựu Tổng thống Carter – người vốn từng có nhiều hoạt động cải thiện quan hệ hai nước - thời điểm đó không có bình luận nào về chuyến đi.
Trước lúc bị bắt, anh Gomes từng sống ở Hàn Quốc 9 năm, ông Michael Farrow - người chú của anh cho biết năm 2010. Tuy nhiên ông Farrow không biết bối cảnh nào cháu ông lại vào Triều Tiên: “Nó không làm điều cực đoan. Có thể nó chỉ cố gắng giúp đỡ và chỉ dạy họ. Nó có động cơ tốt. Tôi biết nó có ý định tốt”.
Anh Aijalon Mahli Gomes (giữa) được gia đình mừng đón tại sân bay sau khi được cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (trái) đưa về Mỹ. Ảnh: REUTERS
Năm 2015 anh Gomes từng xuất bản một cuốn sách có tựa “Bạo lực và Tình người”. Theo tiểu sử tác giả trong cuốn sách, anh Gomes từng học ở các bang Massachusetts và Maine, theo đuổi ngành sư phạm, sau đó sang Hàn Quốc dạy tiếng Anh ở các tỉnh nông thôn quanh Seoul. Sau đó sang Trung Quốc.
“Trong 9 tháng, anh bị giam trong một nhà tù hẻo lánh dưới sự giám sát chặt, trong khi gia đình và bạn bè ở Mỹ không có thông tin gì về sức khỏe hay nơi anh bị giam, vì căng thẳng khu vực rất cao. Thời gian đó đối với anh là một phép thử thật sự về hy vọng, niềm tin và tình người” – cuốn sách kể lại thời gian anh bị giam ở Triều Tiên. Thời gian này, sức khỏe tinh thần anh sa sút nhanh chóng và đã có lần tự sát trong phòng giam.
Anh Gomes gần như không xuất hiện trước công chúng kể từ khi về Mỹ. Mẹ anh, bà Jacqueline McCarthy cho biết con mình vẫn chưa vượt qua các sang chấn tinh thần.
Và “một cách để anh vượt qua các sang chấn trong thời gian bị giam ở Triều Tiên là viết ra cuốn sách Bạo lực và Tình người này”, theo nội dung cuốn sách.