Ngày 24-8, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học, việc hình thành các tổ chức công đoàn trong khuôn khổ TPP và các vấn đề pháp lý liên quan đến điều chỉnh hoạt động của các tổ chức đó.
Tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng vai trò của công đoàn hiện nay rất hạn chế. “Hôm qua, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, trong buổi làm việc với Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng đặt câu hỏi tại sao hơn 5.500 cuộc đình công nhưng công đoàn không tổ chức cuộc đình công nào…? Điều đó chứng tỏ công đoàn đang rất yếu, vậy nguyên nhân từ đâu?” - đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi trên, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết kể từ khi ban hành Bộ luật Lao động (năm 1994), Việt Nam có hơn 5.500 cuộc đình công. Trong đó, không có cuộc đình công nào do công đoàn tổ chức mà đều là tự phát. Nguyên nhân do nhiều yếu tố, trong đó có cơ chế chính sách.
Hội thảo nhìn nhận khá thẳng thắn những nguy cơ của công đoàn khi TPP có hiệu lực. Ảnh: VIẾT LONG
Ông Thọ lý giải: “Từ khi ra đời, Công đoàn Việt Nam luôn ở trong tình trạng là một đứa con một. Thông thường những đứa con một sinh ra nó được bao bọc, chăm bẵm và không ai đặt ra cho nó thách thức cả. Cũng vì con một nên thói hư tật xấu nhiều hơn mặt tích cực. Tôi cho rằng đây là một trong những lý do Công đoàn Việt Nam có cái yếu…”.
Để nhìn cái yếu của công đoàn một cách thẳng thắn, ông Thọ cho biết gần đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức một hội nghị quan trọng. Thành phần tham gia gồm các lãnh đạo của đơn vị qua các thời kỳ nhằm lắng nghe những suy nghĩ của họ về tổ chức công đoàn.
“Tại đây, chúng tôi nghe được rất nhiều ý kiến về những yếu kém của công đoàn cần phải điều chỉnh, thay đổi. Riêng cá nhân, tôi cho rằng công đoàn đang bộc lộ những gót chân A-sin mà nếu không thay đổi thì nó liên quan đến an nguy của công đoàn…” - ông Thọ khẳng định.
Ông Thọ cũng cho biết trong khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, có 85% công nhân mong muốn việc làm ổn định và tiền lương, thu nhập cải thiện.
“Đây là mong muốn đời thường của chúng ta và người lao động nhưng nó làm cho chúng tôi suy nghĩ nhiều. Người lao động cần những cái thiết thực này chứ không cần những cái khác. Trong khi chúng ta cứ đi tuyên truyền cho công nhân những cái cao sang lắm. Chúng ta cứ nhầm tưởng công nhân hiện nay cũng giống như công nhân trước cuộc khởi nghĩa Tháng Tám, vì thế những chính sách của chúng ta đưa ra hơi lạc hướng và khác nên không đi vào mong muốn của người lao động…” - ông Thọ nói.
Những thách thức cho công đoàn Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đưa ra các thách thức cho công đoàn khi gia nhập TPP. Cụ thể, sẽ tạo điều kiện để hình thành những tổ chức thực sự của người lao động, do người lao động và vì người lao động, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, đặc biệt trong khu vực kinh tế tư nhân. Quan hệ lao động có cơ hội phát triển ổn định, hài hòa do các cơ chế đối thoại, thương lượng tập thể… |