Liên quan đến việc chuẩn bị sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực từ 1-5-2013. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết nguyên nhân sửa đổi Bộ luật Lao động là vì trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện bắt đầu bộc lộ những vấn đề gây xung đột giữa chủ sử dụng lao động và người lao động do lợi ích hai bên chưa hài hòa, ổn định.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc sửa Bộ luật Lao động lần này chú trọng đến vấn đề tiền lương, thời gian làm thêm giờ, tranh chấp lao động, đình công (có đình công về quyền hay không). Đặc biệt, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, theo công ước quốc tế (công ước về quyền tự do lập hội) thì người lao động có quyền thành lập tổ chức đại diện cho mình…
Tuy nhiên, theo ông Lợi sẽ tồn tại mô hình tổ chức Công đoàn Việt Nam theo quy định của Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam. Người lao động có quyền thành lập tổ chức đại diện cho người lao động nhưng phải tuân thủ theo pháp luật như đăng ký, có mục tiêu cơ bản (đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động tham gia, ký kết, thương lượng, thỏa ước lao động tập thể, đối thoại với chủ sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi cho người lao động).
Sẽ có tổ chức hoạt động song song với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
“Tổ chức này có thể trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhưng cũng có thể độc lập. Muốn được độc lập, phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận và phải có mục tiêu, phương châm, định hướng... Tổ chức này hoàn toàn bình đẳng với tổ chức công đoàn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Họ có quyền được tham gia chính sách như là đại diện công đoàn. Ví dụ như kinh phí công đoàn, đóng góp, bầu ban chấp hành, tiếp nhận các điều kiện kỹ thuật từ ngoài vào theo quy định của pháp luật Việt Nam…” - ông Lợi nói.
Ông Lợi cũng cho biết hiện đang xem xét cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép thành lập tổ chức công đoàn độc lập: “Tôi nghĩ con đường tốt nhất phải là một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xác định. Nếu họ thành lập ra mà không trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì người ta phải đăng ký với cơ quan Nhà nước. Cơ quan Nhà nước tôi nghĩ không phải cơ quan nào khác ngoài Bộ LĐ-TB&XH…” -ông Lợi cho biết.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết theo đăng ký của Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2016 và năm 2017, Chính phủ sẽ trình với Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về thời hạn trong Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chính phủ đã cho phép đăng ký trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này sớm hơn một kỳ họp. Dự án sửa đổi, bổ sung luật này sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3, tháng 5.
Lương tối thiểu sẽ được tính theo giờ Vấn đề tiền lương, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: “Hiện chúng ta đang thực hiện cơ chế tiền lương theo mức tiền lương tối thiểu vùng mà hằng năm Chính phủ công bố. Các nước ít dùng tiền lương tháng để giải quyết vấn đề tiền lương trong khu vực sản xuất kinh doanh mà người ta xác định tiền lương tối thiểu nhưng tối thiểu theo giờ để người lao động được quyền làm việc với nhiều hợp đồng lao động. Chính tiền lương tối thiểu theo giờ sẽ làm tăng năng suất lao động và phản ánh đúng bản chất của tiền lương trong nền kinh tế thị trường. Lần này, tiền lương sẽ theo hướng đó…” - ông Lợi khẳng định. |