Gia nhập TPP: Phải tôn trọng ‘luật chơi’

Việc Hội nghị Trung ương 14 thông qua chủ trương ký kết, phê duyệt Hiệp hội đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một điều tốt lành, dù có bất cứ dư luận nào đi nữa. Bởi Việt Nam đã dày công nghiên cứu, đàm phán, tìm ra những nội dung và cách thức tham gia nào là có lợi nhất cho sự phát triển của đất nước. Cả quá trình đàm phán đó, Bộ Chính trị chỉ đạo rất chặt chẽ thông qua Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ liên quan và đoàn đàm phán.

TPP và định hướng XHCN

. Phóng viên: ý kiến cho rằng: Việc Việt Nam ký kết TPP và các FTA là việc cởi bỏ những mảnh áo giáp phòng vệ cuối cùng. Ông có đồng ý như thế không?

+ TS Lưu Bích Hồ: Không, tôi cho rằng chúng ta đang đi trên con đường nhân loại đang đi, hội nhập vào những thể chế tiên tiến nhất. Chính trị là gì? Là xử lý những mối quan hệ lợi ích. Nền chính trị ở bất cứ quốc gia nào cũng như thế.

Nếu có những ý kiến phản đối thì đó là việc bảo vệ những lợi ích của một nhóm nào đó mà thôi.

. Tức là TPP không ảnh hưởng đến chế độ, đến định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)?

+ Có ảnh hưởng nhưng là ảnh hưởng tích cực. Thể chế của chúng ta cần phải điều chỉnh để thích nghi, không thể bất biến. Đó chính là tác dụng tích cực của TPP với Việt Nam. Được nhiều hơn nhiều so với mất, đương nhiên tùy thuộc ở sự nỗ lực của chúng ta vượt qua chính mình. Bởi chúng ta sẽ phải nắn lại thể chế của mình nhằm phục vụ tốt hơn cho lợi ích của đất nước, của doanh nghiệp và người dân.

Hơn nữa, định hướng của chúng ta rất rõ ràng là hiện đại và phát triển, được cụ thể hóa là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chúng ta không mơ hồ. Tiêu chí này là quan trọng nhất để đánh giá sự phát triển và chính sách. Nếu thực hiện đúng tiêu chí này là không chệch hướng XHCN.

.Vậy TPP và các FTA sẽ thúc đẩy định hướng này như thế nào, thưa ông?

+ Kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần tiến nhanh hơn đến giàu mạnh, hiện đại, công bằng, văn minh. Nên nhớ TPP và các FTA bắt buộc chúng ta có cách đối xử nhân văn hơn, công bằng hơn với người lao động để thúc đẩy xã hội phát triển đúng hướng. Từ việc quy định về xuất xứ để bảo vệ tính bình đẳng trong cạnh tranh, bảo vệ môi trường, cho đến việc không được sử dụng lao động cưỡng bức, người lao động có nghiệp đoàn riêng của mình…

Tất cả những điều nói trên phù hợp với định hướng XHCN. Đó chắc chắn là những lý do mà Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thông qua chủ trương ký kết TPP.


TS Lưu Bích Hồ đang trao đổi với phóng viên. Ảnh: CHÂN LUẬN

Người đứng đầu phải biết quyết định và chịu trách nhiệm

. Theo ông, những yêu cầu đặt ra cho người đứng đầu đất nước và các cơ quan trong thời gian hội nhập sắp tới?

+ Vai trò của người đứng đầu chính là yếu tố quyết định. Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược đã từng gây ra những hệ lụy. Chúng ta không thể cứ “tập thể” bàn mãi. Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là độc quyền. Nhà nước pháp quyền chính là dân chủ, dân chủ ấy phải có kỷ luật kỷ cương.

Kỷ cương nằm ở đâu? Khi đã đồng thuận theo đa số thì phải thực hiện. Tôi nhớ lại năm 1946, khi Bác Hồ sang Pháp để đàm phán, Bác không đủ thì giờ và điều kiện để giải thích lo ngại của nhân dân và đảng viên về việc thỏa hiệp giữa Bác và Pháp. Bác chỉ nói: “Hồ Chí Minh không bao giờ bán nước”. Bác lấy tất cả danh dự, uy tín, tâm huyết, lòng yêu nước để hứa với dân như thế. Bác đi chỉ để kéo dài thời gian chuẩn bị kháng chiến. Đó là quyết định của người đứng đầu. Lúc đó làm gì có Bộ Chính trị mà bàn. Ban Thường vụ, Trung ương cũng không thể ngay một lúc mà họp bàn được.

Tôi nghĩ người đứng đầu bây giờ phải quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

. Liệu có đến mức áp đặt không, thưa ông?

+ Nếu như thấy cần thiết và đúng thì phải áp đặt. Không thể mọi chuyện đều đạt được đồng thuận. Chiến dịch Điện Biên Phủ, nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp cứ nhất nhất phải xin ý kiến Bác Hồ, Bộ Chính trị, Trung ương thì làm sao kịp thời và sáng tạo chỉ huy chiến dịch.

Người lãnh đạo cần phải có tố chất quyết định, không có tố chất này không thể lãnh đạo tốt và tạo động lực của phát triển.

Điều chỉnh để phát triển

. Có người lo ngại quy định về công đoàn độc lập sẽ làm mất đi bản chất của chế độ ta. Ông nghĩ sao?

+ Tôi đã đề cập ở trên, chế độ ta chưa phải là hoàn thiện, bất biến và cần phải luôn được cập nhật, điều chỉnh. 30 năm đổi mới, tôi muốn nhấn mạnh: Đó là một quá trình liên tục. Chủ nghĩa tư bản còn tồn tại đến ngày nay là do luôn tự điều chỉnh. Còn ta, thể chế của chúng ta cần phải điều chỉnh để đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, của nhân dân và xu thế phát triển của thời đại.

. Vậy những ý kiến lo ngại về chệch hướng, ảnh hưởng tiêu cực từ TPP và các FTA khác phải được hiểu thế nào, thưa ông?

+ Những ý kiến lo ngại đó xuất phát từ đâu? Tôi cho rằng có một hướng mà chúng ta cần thống nhất với nhau: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nếu không tuân thủ định hướng này, đó mới là chệch hướng. Lợi ích của đất nước, của nhân dân cũng cần được minh định để phù hợp với những gì nhân loại đang phấn đấu đạt đến. Còn những ý kiến đại diện cho một nhóm lợi ích tuy không hẳn là sai nhưng cần xem xét nó trong lợi ích tổng hòa của cả dân tộc.

Đường lối, chính sách đã đề cập đến đổi mới nhiều rồi. Cần phải đổi mới cả về tổ chức, bộ máy của Đảng và Nhà nước. Kỳ này phải bầu cử và hình thành bộ máy nhà nước đúng như những gì mà Trung ương đã thống nhất và chỉ đạo.

Tôi đã từng nói về bầu cử Quốc hội. Trước đây tôi không quan tâm đến lá phiếu của mình. Tôi chỉ ra phường xem qua lý lịch của các ứng viên và bầu cử theo cách thức đã định sẵn. Nhưng tôi nghĩ đã đến lúc cử tri phải tìm hiểu sâu hơn, chọn lựa cẩn thận các ứng viên và mạnh dạn đề cử thêm các ứng viên. Người dân phải nâng cao năng lực của mình. Quốc hội cũng phải nâng cao năng lực bằng cách tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách tới 50%. Mọi quyết định của Quốc hội cần phải dựa vào năng lực được nâng cao hơn của các đại biểu, chứ không phải chỉ là tỉ lệ đồng thuận cao tới trên 90%.

Tất nhiên, chúng ta cũng không nên quá hy vọng, phải từng bước.

. Ông mong đợi một vị lãnh đạo Đảng như thế nào?

+ Người lãnh đạo mới hội đủ các tiêu chí cần thiết, đó là đổi mới, trí tuệ, trong sáng, bản lĩnh quyết định và hành động. Sự chuyển giao nào cũng cần được chuẩn bị tốt. Nhưng đất nước này, dân tộc này… không cho phép chúng ta dừng lại trước bất cứ sự đổi mới nào có lợi cho sự phát triển.

Xin cám ơn ông.

Tôn trọng “luật chơi”

Việc “nắn thể chế” cần phải hiểu là: Trước hết, tất cả điều luật, pháp luật không phù hợp thì phải thay đổi. Chẳng hạn Luật Công đoàn, Luật Doanh nghiệp… có cần phải thay đổi không? Việt Nam đã đàm phán với các nước tham gia TPP và có thời gian để điều chỉnh. Tuy vậy, cái cốt lõi là vẫn phải thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, công bằng.

 Luật Công đoàn là một ví dụ. Chúng ta có công đoàn do Đảng lập ra và lãnh đạo, còn người lao động có thể có công đoàn do mình chủ động lập ra và tự nguyện tham gia.

Trong nông nghiệp và ở nông thôn, kể cả ở đô thị, cần hoàn thiện thêm về thể chế, thủ tục để thật sự hình thành thị trường quyền sử dụng đất thông thoáng, lành mạnh. Trong công nghiệp, dịch vụ, thể chế về cạnh tranh và phá sản phải được cụ thể hơn và hiệu lực hơn. Thể chế, thủ tục về hoàn thiện môi trường kinh doanh phải có bước bứt phá nhanh hơn để năm 2016 đạt mức ASEAN 6. Thể chế về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phải đầy đủ và có cách đưa nhanh vào cuộc sống. Thể chế về bảo vệ môi trường phải tăng thêm hiệu lực về mặt chế tài. Thể chế về quy hoạch phát triển phải nhanh chóng đổi mới về cơ bản, trình ra Quốc hội theo đúng thời hạn… Thể chế về sở hữu trí tuệ cũng cần phải được hoàn thiện hơn nữa để phù hợp với luật pháp quốc tế. Đây chính là điều mà rất nhiều doanh nghiệp lo ngại. Còn nhiều vấn đề khác nữa phải rà soát theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Tham gia TPP, Việt Nam cần chấp nhận những điều này. Vấn đề nằm ở chỗ: Việt Nam nếu không chơi đúng luật thì thế giới sẽ không “chơi” với chúng ta nữa.

Để làm được điều đó, Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải điều hành để thực thi. Các bộ ngành, các địa phương và quan trọng nhất là doanh nghiệp phải thực hiện, biến TPP và các FTA thành năng lực và sản phẩm cạnh tranh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm