Liên quan đến vụ việc một Gymer xúc phạm gia đình của cố nghệ sĩ Chí Tài, nhiều nghệ sĩ và cộng đồng mạng đời "xử" nam thanh niên này. PLO xin giới thiệu góc nhìn của tác giả Lê Minh Tiến về vấn đề này.
Trong những ngày qua, cộng đồng mạng “dậy sóng” trước phát biểu mang tính xúc phạm của một thanh niên, được biết như một gymer có tên là D.N, đối với gia đình cố nghệ sĩ Chí Tài. Từ đó, vào sáng ngày 14-12, nhiều người trong đó có một số nghệ sĩ đã tìm đến tận nơi ở của anh thanh niên kia để nói chuyện phải trái và yêu cầu anh thanh niên đó phải xin lỗi.
Vụ việc này đã khiến cho lực lượng công an cũng như lực lượng dân phòng ở địa phương phải rất vất vả để duy trì trật tự vì có hàng trăm người hiếu kỳ cũng đã kéo đến chứng kiến cuộc “nói chuyện ấy”.
Nghệ sĩ Chí Tài qua đời ngày 9-12.
Câu hỏi đặt ra là nhiều người, trong đó có một số nghệ sĩ hành động như vậy là đúng hay sai xét về mặt luật pháp?
Chúng ta đều biết rằng Việt Nam là một đất nước có pháp luật và mọi người đều phải hành xử theo Hiến pháp và pháp luật. Do đó, mọi hành vi ứng xử sai phải được xử lý theo pháp luật.
Việc anh thanh niên kia xúc phạm gia đình của cố nghệ sĩ Chí Tài chắc chắn là một hành động sai và trong Luật của chúng ta có điều khoản xử lý tội xúc phạm danh dự, bôi nhọ nhân phẩm của người khác. Vì vậy nếu hành xử theo luật thì gia đình hoặc người đại diện cho gia đình của cố nghệ sĩ sẽ khởi kiện anh thanh niên kia ra tòa và để cho tòa án xử lý theo luật định.
Tuy nhiên, nhiều người mà trong đó có một số nghệ sĩ có lẽ vì quá bức xúc nên đã tự mình thực thi pháp luật. Đây là một điều hoàn toàn sai trong một xã hội có pháp luật.
Nghệ sĩ bức xúc đã đưa quyển tập Giáo dục công dân và sách Đạo đức cho nam gymer (trái). Ảnh: CĐM
Quan sát clip ghi lại cuộc nói chuyện giữa hai bên, một câu hỏi đặt ra là nếu anh thanh niên kia cũng qui tụ được số lượng người đông đảo giống như phía đến nói chuyện và nếu anh thanh niên kia không đồng ý đăng clip xin lỗi thì chuyện gì sẽ xảy ra? Với khẩu khí diễn ra trong buổi nói chuyện thì có lẽ chắc chắn bạo lực sẽ diễn ra.
Cách ứng xử này cũng tương tự như cách mà chúng ta đã chứng kiến quá nhiều trong thực tế khi những người xích mích nhau cũng thường giải quyết bằng băng nhóm, bằng bạo lực.
Do đó chúng tôi cho rằng, anh thanh niên kia chắc chắn là sai khi xúc phạm người khác, nhưng cách buộc anh ta nhận lỗi dưới áp lực của sự đe dọa mang tính bạo lực cũng sai hoàn toàn.
Vì vậy theo chúng tôi, chính quyền mà cụ thể là Sở Thông tin và Truyền thông cần nhanh chóng có những chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này vì có liên quan đến những người có ảnh hưởng đến công chúng, nếu không thì cái “công thức” này sẽ tiếp tục được ứng dụng trong thực tế và sẽ gây ra náo loạn cho xã hội.