Công khai mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội

(PLO)- Nhiều đối tượng thu mua các tài khoản này để thực hiện các ý đồ xấu, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bấm tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook từ khóa như "mua bán tài khoản ngân hàng", "cho thuê tài khoản"..., bạn sẽ thấy xuất hiện hàng chục hội nhóm, trang mạng với lượng người theo dõi, thành viên lên đến hàng chục ngàn người.

Từ việc rao bán, cho thuê tài khoản ngân hàng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như lừa đảo, cờ bạc… Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội.

Rao bán tràn lan tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội

Để hiểu rõ việc mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội, PV đã tham gia vào nhóm Facebook "KYC Ngân hàng - Mua bán tài khoản ngân hàng" với hơn 50.000 thành viên tham gia. Chỉ chưa đầy 1 giờ sau khi đăng bài tìm mua tài khoản ngân hàng, PV nhận được hàng chục bình luận rao bán tài khoản với đủ dịch vụ và giá tiền khác nhau, nhiều tài khoản còn chủ động nhắn tin trao đổi.

mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội
Trên mạng xã hội, tràn lan các nhóm "mua bán tài khoản ngân hàng" hoạt động công khai. Ảnh: Tổng hợp

Sau khi trao đổi với một tài khoản có tên NMN, PV được biết chỉ tốn 600.000 đồng là có thể mua một tài khoản ngân hàng online với thông tin không chính chủ. Thủ tục đăng ký chỉ cần có SIM điện thoại, cần tên gì có tên đó; không cần xác minh CCCD, thông tin cá nhân; 10 phút là đăng ký xong...

"Việc mở tài khoản ngân hàng theo tên hiện chỉ còn một số ngân hàng có thể làm được vì nhiều ngân hàng khác hiện nay phải thực hiện sinh trắc học nên cần nhận diện người dùng qua khuôn mặt" - tài khoản Facebook NMN cho hay.

Anh NN (ngụ Vĩnh Long) chia sẻ: Vì 500.000 đồng tiền công mà anh nhận lời mở giùm tài khoản ngân hàng cho một người trên Facebook. Sau khi giao dịch giữa hai bên thành công thì cả hai không còn liên lạc, đến nay anh N cũng không tìm được tài khoản Facebook của người này.

“Thời gian gần đây, tôi nhận được công an mời vì mới nhận được tiền từ một người lạ chuyển nhầm 50 triệu đồng vào tài khoản mà trước đây tôi được thuê mở. Giờ họ làm đơn kiện bắt tôi phải trả lại số tiền đó, tôi hiện không biết phải làm sao?” - anh N nói.

Anh M, sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP.HCM, cũng cho biết từng bị các đối tượng mua bán tài khoản ngân hàng lôi kéo, hứa trả 500.000 đồng để anh đứng tên mở tài khoản cho chúng.

“Những đối tượng này thường nhắm tới các bạn sinh viên, học sinh đã được cấp căn cước công dân để mở tài khoản thanh toán và sẽ trả công 500.000 đồng cho người mở. Nếu là học sinh không có điện thoại, đối tượng cung cấp cho học sinh điện thoại có SIM để đăng ký mở tài khoản Internet Banking.

Sau đó, đối tượng yêu cầu học sinh cung cấp thông tin tên, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP) và trả lại điện thoại. Tiếp đó, các đối tượng thu thập dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) của các học sinh (Face ID) để phục vụ xác minh danh tính của khách hàng khi có yêu cầu. Sau đó, chúng sử dụng các tài khoản này vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,…” - anh M cho hay.

mua bán tài khoản ngân hàng
Hoạt động mua, bán tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội tràn lan với đủ các thể loại dịch vụ và giá tiền khác nhau. Ảnh: Tổng hợp

Mức phạt có thể lên đến 20 năm tù

Trao đổi với PV, Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng diễn ra ngày càng táo tợn và công khai sôi nổi trên các trang MXH. Nhiều đối tượng thu mua các tài khoản này để thực hiện các ý đồ xấu, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mặc dù, ngân hàng thực hiện thu thập sinh trắc học rất nghiêm ngặt nhưng một số đối tượng còn lấy danh nghĩa nhân viên ngân hàng đang chạy chỉ tiêu mở thẻ để nhờ mở tài khoản thông qua các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại; sau khi chủ tài khoản thực hiện sinh trắc học, đăng ký thành công thì thỏa thuận thu mua hoặc thuê lại tài khoản ngân hàng.

Lúc này, người cho thuê hoặc bán tài khoản ngân hàng, sẽ phải đối mặt với nhiều phiền toái hoặc thậm chí là rủi ro pháp lý bởi vì các đối tượng xấu sẽ sử dụng các tài khoản này để nhận tiền và rút tiền trên danh nghĩa của chủ tài khoản sau khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

"Vì vậy, khi có ai đó nhờ đăng ký mở tài khoản, thuê mở tài khoản thì người dân tuyệt đối không làm theo yêu cầu của họ. Nếu sau đó phát hiện mình bị lừa, cần kịp thời báo ngân hàng để khóa, đóng tài khoản; đồng thời thông tin ngay đặc điểm, thông tin cá nhân, số điện thoại của đối tượng nhờ mở tài khoản cho cơ quan Công an nơi mình sinh sống để ngăn chặn kịp thời" - Luật sư Phát nhấn mạnh.

Nếu thực hiện hành vi mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng với số lượng dưới 20 tài khoản và số tiền thu lợi bất chính dưới 20 triệu đồng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021) với mức phạt tiền 40-100 triệu đồng; buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán với số lượng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ trên 20 triệu đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng theo Điều 291 BLHS 2015 với mức phạt là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Ngoài ra, nếu sử dụng các tài khoản ngân hàng để đi lừa đảo thì đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng còn có thể bị truy cứu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS 2015 với mức hình phạt có thể lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Một số cách thức đối tượng lừa đảo mở tài khoản ngân hàng

Kẻ gian thường mua số tài khoản ngân hàng và họ tên chủ tài khoản để thực hiện các hành vi lừa đảo tinh vi. Cụ thể, chúng sử dụng các thông tin này để tạo lòng tin với nạn nhân nhằm lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Dưới đây là một số cách thức kẻ gian lợi dụng:

- Giả mạo danh tính người thân hoặc đối tác: Kẻ gian có thể liên lạc với nạn nhân và giả mạo danh tính người quen, đối tác kinh doanh hoặc người thân của nạn nhân để yêu cầu chuyển tiền. Việc có sẵn thông tin số tài khoản ngân hàng và họ tên giúp chúng dễ dàng tạo lòng tin.

- Sử dụng số tài khoản để nhận tiền lừa đảo: Một số kẻ gian dùng tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ các nạn nhân khác trong các vụ lừa đảo, rồi sau đó chuyển tiền qua nhiều tài khoản khác để xóa dấu vết. Họ có thể mua tài khoản ngân hàng từ người khác để dễ dàng thoát tội, đẩy trách nhiệm pháp lý lên chủ tài khoản gốc.

- Lừa đảo qua các giao dịch mua bán online: Kẻ gian có thể giả danh là người bán hoặc mua hàng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến. Sau khi nhận được số tiền từ nạn nhân vào tài khoản, chúng sẽ biến mất, khiến nạn nhân mất cả tiền lẫn sản phẩm.

Ông LÊ THANH HÙNG, Giám đốc Công ty Tin học Viễn thông Thịnh Phát

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm