Công lý và nhiệm vụ chính trị nhìn từ vụ cưa gỗ khô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Thông tin VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị giám đốc thẩm vụ cưa gỗ khô làm tăng thêm niềm tin công lý của rất nhiều người. Ai từng theo dõi vụ này cũng mong một cái kết tốt đẹp, không chỉ cho 5 công dân từng được tuyên trắng án sau đó bị tuyên có tội mà còn mong pháp luật được áp dụng đúng và thống nhất.

Cần nhắc lại, sau khi TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần ba (ngày 12-8-2019) tuyên năm bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản, cả năm người này đã chấp hành xong hình phạt.

Tuy nhiên, từ đó đến nay họ vẫn liên tục, kiên trì kêu oan. Lý lẽ mà họ đưa ra giống những gì mà Pháp Luật TP.HCM từng phân tích, cũng như nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia pháp luật đã mổ xẻ.

Trong những chuyên gia bày tỏ sự băn khoăn ấy có cả Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao và bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Các bị cáo vui mừng cùng luật sư sau khi TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần hai tuyên không phạm tội. Ảnh: NGÂN NGA

Theo đó, với các quy định pháp luật hình sự áp dụng cho vụ án này, hành vi lén lút cưa gỗ trắc khô trong rừng đặc dụng chỉ có thể xem xét về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Do số gỗ ấy chưa đủ định lượng xử hình sự nên những người vi phạm chỉ có thể bị phạt hành chính. Nếu xử tội trộm cắp tài sản là “đảo lộn về mặt hệ thống pháp luật”, như lời đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa từng nói tại một cuộc họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về vụ án này.

Ngoài BLHS 1999, cơ sở pháp lý quan trọng các chuyên gia đưa ra là Thông tư liên tịch số 19/2007 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao.

Còn nhớ tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 do Ủy ban Tư pháp tổ chức (ngày 4-9-2019, để nghe Tòa Tối cao và Viện Tối cao báo cáo về vụ án này), Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí bày tỏ băn khoăn: “Hiện nay, loại tội phạm xâm hại đến rừng đặc dụng nói chung và phá rừng nói riêng cần được xử lý nghiêm...”.

Đáp lại lời ông Trí, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng yêu cầu chính trị về bảo vệ rừng thì các đại biểu Quốc hội hay các cơ quan tư pháp đều có quan điểm giống nhau là phải xử lý nghiêm. “Nhưng nghiêm ở đây là đúng quy định của pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả của từng hành vi. Hành vi vi phạm đến đâu xử lý đến đó” - bà Nga nói.

Có thể nói, nhiệm vụ chính trị (xử nghiêm loại tội phạm xâm hại rừng trước thực trạng rừng ngày càng bị teo tóp) mà ông Trí đưa ra là điều ai cũng nhìn thấy và chia sẻ. Chính vì vậy mà có vị lãnh đạo ngành tố tụng cho rằng Thông tư liên tịch số 19 nói trên có nhiều điều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ rừng. Giải quyết vấn đề này, ngày 26-11-2020, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã ký thông qua Thông tư liên tịch số 14/2020 bãi bỏ Thông tư liên tịch số 19 nói trên.

Như vậy, kể từ ngày 18-1-2021 (ngày Thông tư liên tịch số 14 có hiệu lực), việc xử lý các tội phạm liên quan xâm hại rừng sẽ được tiến hành nghiêm minh hơn, đúng với quy định của BLHS 2015.

Trở lại vụ cưa gỗ khô, do hành vi này xảy ra khi Thông tư liên tịch số 19 (và BLHS 1999) đang có hiệu lực nên cơ quan tố tụng phải áp dụng quy định cũ. Nói cách khác, hành vi của năm công dân nói trên không phạm tội, dù là tội trộm cắp tài sản hay tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Đây cũng là lập luận mà viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đưa ra tại bản kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này.

Hy vọng những điều nói trên sẽ được các cơ quan tố tụng - từ cơ quan điều tra đến VKS và tòa án cả nước nhận thức một cách thống nhất. Và vì thế, phiên giám đốc thẩm sắp tới hy vọng sẽ mang lại kết quả tốt đẹp, trả lại niềm tin công lý cho năm công dân ở Kon Tum.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm