Với công nhân lao động ly hương, mỗi chuyến về quê đều phải lên kế hoạch từ một đến ba năm trước. Như chị Nguyễn Thị Lương, quê Thanh Hóa, công nhân giày da thuộc Công ty TNHH Freetrend Industrial (KCX Linh Trung I, Thủ Đức, TP.HCM), đã vào Sài Gòn làm việc được năm năm nhưng chị mới về quê đón tết được một lần. Đây là lần thứ hai chị về đoàn tụ gia đình dịp tết.
Chồng về trước, vợ về sau
Tỏ ra phấn khởi, chị Lương tâm sự: “Em rơi vào diện ba năm liền không về tết nên em mới được công đoàn bình xét tặng một vé xe về ăn tết cùng gia đình”. Chị bảo có được tấm vé xe cũng bớt đi phần lo, với số tiền thưởng tết bằng một tháng lương chị dành để mua sắm ít mứt, bánh đặc sản miền Nam và ít bộ quần áo ấm về làm quà tết. “Đồng lương công nhân còn quá eo hẹp, muốn về tết cũng phải tính toán kỹ lưỡng chứ không phải năm nào muốn về cứ thu xếp đồ là về” - chị thổ lộ.
Cũng đếm từng ngày, chị Nguyễn Uyên Phương, quê Thừa Thiên-Huế, nhân viên Công ty KHKT&SX gốm sứ Kim Trúc, cho biết năm nay gia đình chị có con mọn nhưng vẫn sắp xếp về quê.
Chị Phương tâm sự: “Có thêm đứa con là thêm gánh lo nhưng ông bà nội ngoại ở quê ai cũng trông ngóng, bảo tết khó mấy cũng mang cháu về, có thêm tiếng cười con trẻ cho ông bà vui nhà vui cửa ba ngày tết. Chẳng đặng đừng, hai vợ chồng phân công cho vợ và con về sớm đỡ chật vật tàu xe, riêng ông xã cũng làm công nhân đợi nhận tiền thưởng tết mới bắt xe về sau”.
Chị bảo biết vợ chồng mới lập gia đình còn khó khăn nên ông bà nội ngoại ở quê rào đón “ở quê giờ đủ cả chẳng cần mang gì về”. “Ông bà nói vậy nhưng mình đi làm ăn vài ba năm mới về quê ăn tết một lần không lẽ về tay không, thôi thì tằn tiện một chút để mua thêm vài ba bộ quần áo và lô mứt, ký hạt dưa làm quà cho người thân chứ chẳng có dư dả để bày vẽ” - chị Phương chia sẻ.
Những chuyến xe đưa công nhân về quê đón tết. Ảnh: P.ĐIỀN
Người ngậm ngùi ở lại
Chị Nguyễn Thị Hương, quê Nghệ An, nhân viên thời vụ một công ty may tại KCN Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương), ngậm ngùi cho hay năm nay quyết tâm ở lại nhà người thân ăn tết. Đây là cũng là cái tết thứ hai chị xa gia đình.
Chị Hương bùi ngùi, một phần vì mới ra trường, dịp cuối năm chưa xin được việc làm và không muốn gia đình phải thêm lo lắng nên chị xin làm công nhân thời vụ để lo trang trải cuộc sống, sau tết tiếp tục đi tìm việc làm. “Thấy bạn bè và các chị trong công ty hào hứng đi chợ công nhân sắm đồ tết cho gia đình sau giờ làm, em cũng chạnh lòng lắm nhưng em đã hạ quyết tâm rồi, năm nay cố gắng cày tìm việc làm ổn định, cuối năm tới nhất quyết về ăn tết cùng gia đình” - chị Hương nói.
Chị Hương cho biết trước ngày chia tay về quê, chị em cùng phòng trọ bàn với nhau làm mâm cơm tất niên, dọn lên bàn thờ hoa quả khấn vái cầu năm mới mọi người sức khỏe, công việc tăng ca nhiều để cải thiện thu nhập. Ngày tất niên chưa tới nhưng nghĩ đến cảnh chia tay, kẻ ở người về mọi người đều nôn nao khó tả.
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, quê Thanh Hóa, nhân viên kiểm tra Công ty TNHH Okaya Việt Nam, bùi ngùi: “Em vừa lập gia đình và nghỉ việc công ty nên phải qua tết mới sắp xếp về quê thăm cha mẹ và người thân, vì thời điểm này giá vé tàu xe quá cao không kham nổi”. Huyền kể đây là cái tết thứ hai cô không về cùng người thân. Trước khi lập gia đình, cô vừa làm công nhân vừa tằn tiện đồng lương eo hẹp để đi học ngành kế toán. Nay học xong mới lập gia đình, cô muốn tìm công việc mới để cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái. “Em cũng bâng khuâng lắm nhưng nguồn thu nhập của gia đình công nhân còn ít ỏi đành phải tính liệu thôi anh ạ!”- chị Huyền nói.
Sáu năm chưa về tết Sáu năm - ấy là thời gian chị Lê Thị Trung quê Thanh Hóa, công nhân may túi xách tại KCN Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương), chưa về ăn tết cùng gia đình. Gặp chị ở khu trọ khá cũ kỹ nằm cuối con hẻm ở khu vực giáp ranh Thủ Đức - Dĩ An sau giờ làm ca. Chị bảo từ khi có thêm đứa con thứ hai, các nguồn thu nhập từ tiền lương và tăng ca của vợ chồng vừa đủ trang trải tiền ăn học và chi phí nhà trọ cho bốn người, thành ra không còn dư để về quê. Dù không về ăn tết quê nhưng hằng năm vợ chồng chị đều dành dụm một ít tiền và chuẩn bị gói quà tết gồm gói bánh quy, gói bột ngọt, hộp cà phê và chai dầu ăn gửi về cho gia đình. “Làm ăn cả năm khó khăn mấy cũng dành chút ít quà gửi về cho ông bà ở quê đón tết. Còn gia đình ở lại đến cận tết mới đi chợ mua thịt về nấu nồi thịt đông và gói chả giò cho cả nhà ăn dần mấy ngày tết. Vì đây là món không thể thiếu trong ba ngày tết như hồi còn ở quê vẫn được ăn cỗ tết” - chị Trung giãi bày. Từ ngày 30-1 (21 tháng Chạp), Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân TP.HCM cùng các quận, huyện đoàn và các khu lưu trú văn hóa tổ chức chương trình “Vui tết Bính Thân năm 2016 cùng thanh niên công nhân xa quê”, trong khuôn khổ chương trình tạo sân chơi xuân, tặng quà cho thanh niên công nhân tại các khu lưu trú văn hóa không có điều kiện về quê ăn tết. Theo đó, chương trình tặng 650 phần quà cho các công nhân, mỗi phần quà trị giá 300.000-500.000 đồng. |