Những ngày còn đi học, cái Tết của tôi thường rất dài, chơi rất đã mà chẳng vướng bận điều chi, đặc biệt khi tôi là đứa con gái cưng lại yếu ớt nên mọi sự trong nhà cứ do ba má tôi lo tất. Do đó, ngoài ăn ra thì chỉ có việc học và quanh đi quẩn lại cũng chỉ có học và ăn. Đến Tết thì lo chơi cùng làng cuối xóm rồi đến ngày đi học lại chỉ việc cấp sách đến trường.
Ngày mai, tôi lại xa nhà, vào Nam
Năm nay, khác với mọi năm. Tôi rời Sài Gòn vào cái ngày cơ quan ra số báo cuối cùng – ngày 26 tháng Chạp. Từ sáng sớm, chỉ chực cơ quan mở cửa là chạy xe lên gởi vào hầm và lại bàn tiếp tân cầm tờ báo cuối cùng, nhìn tên mình và thấy bản thân đã có những ngày lao động quyết liệt cho đến cận ngày về.
Ngày về, bến xe đông như hội. Leo lên xe giường nằm chỉ việc nằm ngủ một giấc đã vượt hơn 500 cây số về đến nhà. Xứ Nẫu đón tôi bằng cái lạnh nhoi nhói như mọi năm khi trời chỉ vừa 2 giờ sáng. Cả nhà tôi gần như thức trắng khi tôi về.
Những đứa em đã lớn
Năm nay, bà nội tôi lại hỏi: “Khi nào mày vào lại”. Tôi bảo: “Mùng 7, cháu mua vé rồi”. Nội tôi đã già, đau yếu mỗi ngày, thuốc thang cứ phải niêm yết mỗi ngày ba lần như cơm bữa, chỉ sợ sơ sẩy là chẳng biết xảy ra chuyện gì. Những ngày ở nhà, thời gian trôi như thoi, tranh thủ giặt cho nội mấy bộ đồ mà cởi cho được bộ đồ trên người một bà già luôn quấn mền co ro trên giường khi miền Trung tràn ngập không khí lạnh không phải chuyện dễ. Phần vì nội sợ lạnh, phần vì thương tôi. Tôi nói với nội: “Một năm cháu về giặt đồ cho bà được một lần, bà không cho giặt năm sau cháu không về nữa”.
Nghe nói vậy, nội mới cho giặt. Rồi cũng lần chống gậy lại gần bảo: “Hay mày trả vé lại, ở nhà thêm ít bữa...” - tôi thấy nội ngập ngừng, khóe mặt nội rưng rưng. Lòng nghĩ, ừ, năm nay mình về nhà đã trễ mà phải đi sớm quá, chưa gì đã đến mùng 5, rồi sẽ đến mùng 7. Rồi sẽ lại vào mảnh đất phố thị để trải đời, trải nghề mà nhiều năm qua tôi vẫn luôn tự hỏi mảnh đất miền Trung này chó ăn đá gà ăn sỏi ra sao mà bao nhiêu người trẻ chúng tôi cứ lần lượt rời bỏ quê hương tìm đến vùng đất mới.
Sáng nay, nội lại ra đứng cửa: "Mùng 5 rồi..."
Có lẽ đây là lần đầu tôi có có Tết ngắn như vậy, chứ như mọi năm thấy mấy anh chị đồng nghiệp mới mùng 4, mùng 5 đã rục rịch rời quê vào Sài Gòn chuẩn bị làm việc, còn tôi cứ gọi là thong thả, từ từ.
Năm nay, nội đã yếu nhiều, ba má của tôi cũng già đi, những đứa em đã lớn, những cái Tết bắt đầu ngắn lại mà con đường tôi đi vẫn tròng trành, chông chênh quá đỗi.
Đến hôm nay, nội tôi lại chống gậy ra đứng trước cửa, thở dài: “Mùng 5 rồi...”.