Chiều 20-12, Công Phượng cùng lứa học viện đầu có dịp hội ngộ trong màu áo U-21 HA Gia Lai bảo vệ ngôi vô địch giải U-21 Quốc tế báo Thanh Niên, giải đấu mà họ hai năm liên tiếp vô địch.
Sau trận đầu tiên U-21 HAGL thua U-21 Thái Lan 0-1, tâm lý chung của người hâm mộ TP.HCM là thất vọng, nhất là với tài năng trẻ Công Phượng.
Đâu rồi một hình ảnh "số 10" đầy tự tin và tràn trề cảm hứng?
Thực tế các ngôi sao học viện HAGL JMG Arsenal, nhất là Công Phượng đang chịu một áp lực cực lớn từ kỳ vọng của người hâm mộ và cả giới chuyên môn.
Phượng đã khẳng định mình bằng những pha bóng giống Maradona, tức độc diễn kỹ thuật qua hàng loạt cầu thủ đối phương rồi tung cú sút hiểm ăn bàn. Sân Thống nhất trong trận chung kết giải này năm ngoái trước đội trẻ Hàn Quốc, Phượng đã có “tuyệt phẩm” kiểu đó. Rồi NutiFood Cup tại Hà Nội năm 2014, Công Phượng cũng có “tác phẩm” tương tự vào lưới U-19 Úc. Đá vòng loại U-19 châu Á tại Malaysia, Phượng cũng làm điều tương tự…
Bây giờ đây, cứ ra sân là Phượng luôn chịu áp lực cực lớn, không những phải ghi bàn mà còn phải ghi bàn kiểu “tuyệt phẩm” nữa thì người hâm mộ hài lòng.
Bàn thắng mà Phượng vào sân từ băng ghế dự bị ghi trong trận thắng giao hữu lượt về của tuyển Việt Nam trước Indonesia 3-2 tại Mỹ Đình ngày 8-11 vẫn không làm người hâm mộ hài lòng. Bàn thắng đó Phượng chạy nhanh vào và “xỉa” chân một phát là thành bàn.
Thực tế bàn thắng đó cũng thể hiện sự nhanh nhẹn, tinh tế khi ra chân, cảm giác bóng và tốc độ lao xuống của Công Phượng… nhưng người hâm mộ vẫn cứ khó tính với Phượng.
Và Công Phượng tại giải U-21 Quốc tế 2016. Ảnh: Phạm Huy
Trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, ai “bị” hoặc được kỳ vọng nhiều quá thì hay thi đấu rất nhạt nhòa. Đã biết bao tấm HCV châu lục và thậm chí HCV Olympic đến những với VĐV không bị áp lực. Còn những ai được “quy hoạch thu hoạch vàng” thì thường rất nhạt nhòa, chung quy cũng chỉ vì áp lực.
Trong vòng ba năm qua, kể từ sau các tuyệt phẩm trong màu áo U-19 Quốc gia đến nay, thực tế Phượng chịu áp lực rất lớn phải ghi bàn và ghi bàn đẹp. Chỉ điều này không thôi đã đè nặng lên một đôi chân của Phượng khiến tài năng trẻ này gặp nhiều khó khăn trong việc thoát khỏi áp lực đó.
Lối chơi bóng và độ quái của Phượng sòng phẳng mà nhìn nhận thì có nhiều yếu tố tài năng bẩm sinh mà giới chuyên môn vẫn hay dùng là “dị”. Nhưng ngày nay thì Phượng chỉ là cái bóng của chính mình.
Vật vờ, vô vọng... Những lần được tung ra sân trong màu áo tuyển quốc gia hay trận U-21 HA Gia Lai gặp U-21 Thái Lan mới đây, Phượng thi đấu rất cố gắng, anh muốn vượt qua chính mình, vượt qua sức ì và bùng nổ để tìm lại hào quang xưa nhưng tất cả đều…vô vọng.
Tìm lại sự ngẫu hứng nơi Công Phượng là bài toán khó của thầy “Giôm”, HLV Nguyễn Hữu Thắng và cho HLV Nguyễn Quốc Tuấn khi Công Phượng về nước thi đấu V-League mùa tới cho HAGL.
Câu chuyện của Công Phượng có màu sắc na ná ngôi sao trẻ của MU và tuyển Anh Marcus Rashford, 18 tuổi. Rashford cuối mùa năm ngoái bùng nổ và ghi được 13 bàn cho MU giúp đội này có suất đá Europa League và cứu chút tiếng tăm cho Van Gaal. Anh cũng được HLV Roy Hodgson gọi vào tuyển Anh đá Euro 2016.
Ở mùa này, Mourinho tiếp quản MU, vị HLV Bồ Đào Nha cũng tạo cơ hội cho Rashford nhưng anh lại thi đấu nhạt nhòa và chựng lại. Mourinho khuyên các HLV tuyển Anh đừng gọi Rashford vào tuyển Anh nữa mà chỉ nên để Rashford khoác áo U-22 Anh. Tại sân chơi trẻ, Rashford sẽ tìm lại cảm giác tự tin và dễ ghi bàn thắng hơn, thay vì “mài đũng quần” trên băng ghế tuyển Anh và tài năng mới chớm đã bị “thui chột”.
Phải xây dựng lại sự tự tin nơi một cầu thủ trẻ để bản năng “sát thủ” nó được hình thành một cách đúng quy trình.
Công Phượng trong áo U-19 nó khác xa với Công Phượng trong màu áo đội tuyển, cứ nơm nớp, nhạt nhòa, thiếu tự tin.
Ở tuổi 22 thì Phượng đã không còn nhỏ nữa và đã “đủ” tuổi để khoác áo tuyển quốc gia. Điều quan trọng nhất lúc này là xây dựng, "khôi phục" lại bản năng sát thủ của Công Phượng.