Trước tình hình dịch bệnh chuyển biến tích cực, nhiều công ty tại TP.HCM sắp xếp hoạt động trở lại, thông báo công nhân đến làm việc.
Chuẩn bị về quê thì được gọi đi làm
Trong căn phòng trọ tinh tươm, sạch sẽ, chị Trần Thị Huyền (quê tỉnh Kiên Giang, tạm trú phường Tân Tạo, quận Bình Tân) vui vẻ chơi cùng con nhỏ.
Chị Huyền cho biết sống ở vùng đỏ trong thời điểm dịch COVID-19 phức tạp nhưng cả xóm trọ hẻm 147 đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, được chủ trọ cũng như chính quyền địa phương chăm lo chu đáo.
Chị Huyền được công ty thông báo sẽ được đi làm lại trong thời gian sắp tới. Ảnh: NGỌC LÀI
Tuy nhiên, khi thấy nhiều người về quê, chị Huyền cũng nôn nao và nảy ra ý định về Kiên Giang nghỉ ngơi, tránh dịch. Vợ chồng chị bàn nhau chuẩn bị quần áo, thức ăn cho chuyến về quê bằng xe máy. Thế nhưng, trước ngày về quê, chồng chị nhận được điện thoại gọi đi làm lại.
“Chồng tôi thi công đường dây điện nước cho các công trình xây dựng, mấy tháng dịch thất nghiệp. Chúng tôi nghĩ chắc còn nghỉ lâu, không ngờ người ta gọi anh đi làm lại được hai ngày rồi. Công ty cũng thông báo tôi chờ đi làm lại, khuyên đừng về quê. Hiện tại, dịch chưa ổn định nên chỉ mới cho 30% nhân sự làm việc. Dù chưa rõ khi nào được đi làm nhưng như vậy cũng yên tâm phần nào”- chị Huyền nói.
Vợ chồng chị Huyền rất vui trước tin được đi làm lại, bởi nếu về quê thì cũng không có việc gì làm.
Chị Trần Thị Xuân quê ở tỉnh Ninh Thuận, sống cùng xóm trọ với chị Huyền, cũng vui mừng cho biết công ty thông báo sẽ được đi làm lại trong tháng 10. Hai vợ chồng chị cùng làm trong một công ty may mặc. Dịch bùng phát, cả hai cùng thất nghiệp. Mấy ngày qua, vợ chồng chị cũng tính toán việc về quê hay ở lại, về quê thì làm gì để mưu sinh.
Vợ chồng chị Xuân làm cùng công ty, cũng nhận được thông báo sắp được đi làm. Ảnh: NGỌC LÀI
“May quá, công ty thông báo hai vợ chồng ở lại TP, chờ họ gọi đi làm. Trong tháng này sẽ được đi làm lại thôi. Tôi nghĩ kiểu gì cũng thất nghiệp mấy tháng rồi, còn vài tháng ráng kiếm tiền ăn Tết” – chị Xuân chia sẻ.
Anh Trương Tấn Bửu quê Đồng Tháp, đang sống trọ tại phường Tân Tạo, cũng cho biết anh nhận được thông báo của công ty tuần sau đi làm trở lại.
Ban đầu, vợ chồng anh cũng tính về quê tránh dịch một thời gian. Thế nhưng nghĩ đến chuyện đi cách ly tốn kém, rồi biết đâu mình mang bệnh về lây cho người thân, anh Bửu cứ nấn ná chờ xem tình hình. Đến nay, vợ chồng anh đã yên tâm, quyết định ở lại TP làm việc.
Anh Bửu chia sẻ về quê chỉ tốn kém thêm, lại ảnh hưởng đến người thân. Cho nên, anh ở lại TP.HCM, chờ sang tuần đi làm. Ảnh: NGỌC LÀI
Được trả lương, giữ chân trong dịch
Đợt dịch này, anh Dương Tấn Hào quê ở Cần Thơ, ngụ xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, được chủ cơ sở nơi anh làm việc hỗ trợ rất nhiều. Dù cơ sở phải tạm ngưng hoạt động do dịch nhưng chủ cơ sở vẫn quyết định hỗ trợ cho công nhân mỗi tháng 2 triệu đồng để trang trải.
Do đó, khi dịch chuyển biến tích cực, nhiều người chọn cách về quê, anh Hào vẫn quyết tâm ở lại để làm việc.
“Tôi biết chủ cơ sở đã phải bán tài sản, lấy tiền tích lũy để hỗ trợ cho công nhân. Một chỗ làm tốt như vậy mình không thể bỏ được, về quê cũng không biết làm gì để sống. Chắc chắn, về quê một thời gian cũng phải lên đây tìm việc làm. Vậy thì mình cứ ráng ở lại làm dù rất nhớ nhà, nhớ người thân” – anh Hào cho biết.
Chị Hà Thị Hồng tạm trú khu trọ 79/9 Liên khu 8-9, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, cũng phấn khởi hơn khi cả hai vợ chồng đều đã đi làm lại. Chị tâm sự qua đợt dịch này, thực sự chị cũng nghĩ đến việc về quê sống. Nỗi sợ dịch bệnh và khó khăn vừa qua khiến chị ám ảnh.
Vợ chồng chị Hồng dự tính sẽ về quê khi lo được vốn liếng, chứ không về tay trắng như bây giờ. Ảnh: NGỌC LÀI
“Nhờ báo Pháp Luật TP.HCM nói lên thực tế ở xóm trọ, chúng tôi được chính quyền lẫn mạnh thường quân quan tâm sâu sát hơn, không lo đứt bữa. Cả xóm trọ tôi vượt dịch an toàn, chỉ mới có một hai ca F0 và không ai chọn về quê. Vừa rồi, tôi gửi con gái về quê ngoại, còn vợ chồng quyết định ở lại làm việc. Công ty nơi chồng tôi làm việc đã hoạt động trở lại. Tay nghề của anh cũng ổn định nên công ty rất tạo điều kiện và trả mức lương tốt để giữ anh làm việc” – chị Hồng chia sẻ.
Vợ chồng chị Hồng cũng dự định về quê ở hẳn nhưng đó là lúc đã có vốn để tính kế mưu sinh lâu dài. Thời điểm này, nếu có về quê cũng trở thành gánh nặng của người thân, lại có nguy cơ lây bệnh cho cha mẹ già.
Ở lại làm, kiếm tiền trả nợ Đợt dịch này, gia đình chúng tôi nợ tiền trọ khoảng 11 triệu đồng dù đã được giảm một ít. Hiện tại, chủ trọ không đòi tiền nhưng mình phải có trách nhiệm đi làm kiếm tiền trả dần cho họ. Người thân cũng rủ tôi về quê nhưng mình chưa có tiền trả nợ nên sao bỏ đi được. Công việc cũ không còn nữa, tôi chủ động tìm việc khác làm để có thu nhập trang trải cuộc sống và trả nợ. Quê tôi ở Bến Tre, không còn ruộng đất, về quê cũng không có việc làm. Cho nên, vợ chồng tôi cố gắng bám trụ lại TP. Ông NGUYỄN VĂN THUẬN, tạm trú quận Tân Phú, TP.HCM. |