Công ty thuỷ sản đang 'khó khăn hơn cả giai đoạn đỉnh dịch Covid-19'

(PLO)-  Các đơn hàng xuất khẩu của ngành thuỷ sản đã giảm từ 20% - 50%, dẫn đến lượng tồn kho tăng cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết các doanh nghiệp (DN) trong ngành đang tiếp tục bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu giảm mạnh.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 tiếp tục sụt giảm 2 con số so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 3,379 tỷ USD, giảm 27,9%. Các đơn hàng xuất khẩu đã giảm từ 20% - 50%, dẫn đến lượng tồn kho tăng cao.

“Các DN trong ngành đều đánh giá sự sụt giảm và đứt gãy hiện nay trầm trọng hơn cả giai đoạn đỉnh của dịch bệnh Covid-19” - VASEP cho biết.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy thì các loại chi phí và lãi suất ngân hàng vẫn tăng cao, đè nặng lên DN.

Doanh nghiệp thuỷ sản đang khó khăn hơn cả giai đoạn đỉnh dịch Covid-19. Ảnh minh hoạ: VASEP

Doanh nghiệp thuỷ sản đang khó khăn hơn cả giai đoạn đỉnh dịch Covid-19. Ảnh minh hoạ: VASEP

Các DN đều khẳng định, những lợi thế về thị trường trong quý IV-2022 đã không còn vì lạm phát đã “ngấm sâu” vào các lĩnh vực tiêu thụ trên thị trường thế giới.

Dự kiến xuất khẩu trong nửa đầu năm 2023 sẽ bị sụt giảm mạnh do các đơn hàng bị giảm sút nhiều, khả năng phục hồi phải đến cuối năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu năm nay chỉ dự tính ở mức khoảng 9 tỉ USD (so với gần 11 tỉ USD/năm 2022).

“Đây là thời điểm rất cần sự hỗ trợ Chính phủ và các Cơ quan Quản lý nhà nước để các DN ngành hàng có thể trụ được vượt qua giai đoạn khó khăn này, tạo điều kiện xuất khẩu thủy sản hồi phục trở lại vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024” - VASEP đánh giá.

Do vậy, các DN kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7% để hỗ trợ cho DN xuất khẩu.

Đồng thời rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho hộ nuôi thủy sản nhỏ lẻ có cơ hội tiếp cận vay vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp, để tránh việc người dân phải vay vốn lãi suất vô cùng cao từ bên ngoài do không tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng.

Kiến nghị cho các DN thủy sản được giãn nợ 4-6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý 2-3/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm để các DN có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông-ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm 2023.

Hiệp hội cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm và xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Gói kích cầu dành cho các DN xuất khẩu thực sự mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3-6 tháng nữa trong năm 2023 và quý 1-2024, ứng phó với tình trạng đơn hàng xuất khẩu không có trong giai đoạn hiện nay.

Các DN cho biết thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi thủy sản có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi thay vì treo ao trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài các vấn đề này, để tạo thuận lợi cho DN làm ăn, VASEP kiến nghị sớm có các giải pháp cắt giảm chi phí kinh doanh thông qua chính sách thuế, phí, mức đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm đóng; sớm gỡ các vướng mắc trong quy định về phòng cháy chữa cháy, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng dự án cũ của DN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm