Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho ngành thuỷ sản, gỗ

(PLO)-  Sáng 13-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cho biết tổng kết năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của cả hai ngành lâm sản và thuỷ sản đều ghi nhận nhiều tín hiệu phấn khởi, lạc quan.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt trên 17 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản lần đầu tiên đạt mốc 11 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm ba các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Song, chỉ ít tháng sau, hiện lâm sản và thuỷ sản của ta lại đang đối mặt hàng loạt khó khăn, thách thức.

Khó khăn chồng chất

Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), 3 tháng đầu năm, dưới nhiều tác động của tình hình thế giới và nội tại, kết quả xuất khẩu quý 1 chỉ đạt 1,85 tỉ USD, giảm 27% so với cùng kỳ.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Những mặt hàng chính như tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm từ 32-42%. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường và khối thị trường chính đều giảm. Mỹ đã mất vị trí số 1 về nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam, giảm đến 50%.

Nhật Bản vượt Mỹ vươn lên thị trường nhập khẩu lớn nhất, song so với cùng kỳ năm ngoái thì kim ngạch xuất khẩu sang Nhật vẫn giảm 11%.

Đáng lưu ý, trong khi tình hình tồn kho tăng cao thì các đơn hàng mới cho quý 2 cũng chỉ đạt 30-60% so với quý 2 năm ngoái. Không ít doanh nghiệp bắt đầu sản xuất cầm chừng và lo giải quyết hàng tồn kho.

Với ngành gỗ, từ quý 1 đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản cũng giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Lý do chính là bởi lạm phát tăng cao, người tiêu dùng thế giới thắt chặt chi tiêu…

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

Trước những khó khăn mà hai hiệp hội vừa chia sẻ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp một cách thực chất, kịp thời. Các chủ thể liên quan cùng nỗ lực, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đạt mục tiêu xuất khẩu lâm sản 17,5 tỉ USD và thủy sản 10 tỉ USD trong năm 2023.

Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan đẩy mạnh các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của Liên minh châu Âu.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho ngành gỗ và thuỷ sản. Ảnh: VGP

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho ngành gỗ và thuỷ sản. Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị Bộ nhanh chóng hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó có chính sách phát triển thủy sản, quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam, thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, thủy sản.

Thủ tướng tiếp tục giao Bộ NN&PTNT tổ chức điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản để làm cơ sở cho quản lý, phát triển thủy sản bền vững.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý Bộ NN&PTNT xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động nguồn lực xã hội. Đồng thời xây dựng một số mô hình sản xuất giống, mô hình quản lý chuyên nghiệp, hiện đại, mô hình xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu phù hợp từng vùng miền.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu các chính sách, tháo gỡ các vấn đề về thuế; trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023.

Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ phát triển thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, ưu tiên bố trí vốn trung hạn để các bộ, ngành địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị định số 57/2018-NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu chính sách đất đai phù hợp tình hình, thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp xu thế chuyên canh, chuyên nghiệp, sản xuất lớn; xem xét, nghiên cứu sửa đổi Quy chuẩn nước thải phù hợp với ngành thủy sản.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ…

Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn; triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư để phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến thủy sản, chế biến gỗ và lâm sản.

Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản chủ trì, phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho ba sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ.

Thủ tướng cũng đề nghị quan tâm hơn đến đời sống của bà con nông, ngư dân thông qua việc ký kết và thực hiện nghiêm các hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm thủy sản cho bà con; tránh để việc bà con sản xuất ra nhưng không có chỗ để tiêu thụ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm