Thông tin từ các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ, dệt may, da giày… cho biết lượng hàng tồn kho đang rất cao, do người dân các nước giảm chi tiêu vì lạm phát. Các nhà xuất khẩu lo ngại tình trạng sụt giảm doanh thu không chỉ diễn ra trong tháng 7 và tháng 8, mà còn kéo dài sang các tháng tiếp theo.
Tồn kho tăng cao
Sáu tháng đầu năm nay, hàng loạt DN báo tin vui khi kết quả xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục. Thế nhưng bước sang tháng 7, “bóng ma” lạm phát lan ra toàn cầu cùng với một số yếu tố tiêu cực khác như chiến sự Nga - Ukraine, giá nhiên liệu tăng cao… đã khiến xuất khẩu bất ngờ giảm 7,7% so với tháng trước, chỉ đạt 30,3 tỉ USD.
Xuất khẩu gỗ được dự báo gặp nhiều khó khăn. Ảnh: AH |
Đơn cử trong tháng 7, xuất khẩu phân bón, sắt thép giảm 23%-33%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm hơn 22%. Một số mặt hàng chiến lược khác như xơ, sợi dệt các loại giảm 16,4%; gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 7,5%...
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đánh giá từ cuối tháng 6 đến nay, các đơn hàng bị chậm lại, tồn kho nhiều vì lạm phát cao khiến sức mua ở các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản bị chững lại.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam, cũng cho hay hiện tổng lượng tồn kho với các mặt hàng thời trang nói chung, giày dép nói riêng đang rất lớn. “Khảo sát từ các công ty, nhãn hàng cho thấy từ nay đến quý I-2023, khả năng đơn hàng sẽ bị chững lại” - bà Xuân cho biết.
Khai thác các hiệp định thương mại tự do
Để đảm bảo các điều kiện sản xuất, kinh doanh cho DN, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như xăng dầu, phân bón, điện, than… với giá cả phù hợp để hỗ trợ DN.
Bộ cũng hỗ trợ các DN trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu. Tổ chức mạnh mẽ việc kết nối các DN trong nước tham gia chuỗi giá trị của công ty đầu tư nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia.
Bộ cũng sẽ tập trung hỗ trợ DN khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.
Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN,
Bộ trưởng Bộ Công Thương
Với ngành gỗ, khảo sát nhanh đối với 52 công ty do các hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends tiến hành hồi giữa tháng 7 cho thấy: Trong 45 công ty xuất khẩu đi Mỹ thì có đến 33 đơn vị cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 công ty cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ. Doanh thu xuất khẩu ở thị trường EU, Anh cũng giảm mạnh so với các tháng trước đó.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nói: “Các con số này cho chúng ta thấy một bức tranh về thị trường ảm đạm. Các DN hiện đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào”.
Nỗ lực xoay xở
Trước tình hình trên, nhiều nhà xuất khẩu đang tiến hành nhiều biện pháp để giảm thiểu khó khăn. Đơn cử như tiết giảm chi phí sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường và hàng loạt giải pháp khác.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhấn mạnh: Để ổn định sản xuất, bản thân các DN cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường… để thích ứng với các yêu cầu của đối tác.
“Đặc biệt, các DN cần chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang để từng bước tiến tới tự chủ các khâu từ thiết kế mẫu, thu mua nguyên vật liệu, hoàn thiện sản phẩm… cho đến ship hàng” - lãnh đạo VITAS nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo của VITAS cũng đề xuất Chính phủ bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa dùng để sản xuất xuất khẩu (hiện nay phải nộp trước và hoàn sau theo quy định tại Nghị định 18/2021). Bởi quy định này gây ra nhiều bất cập vì không khuyến khích hàng sản xuất xuất khẩu, gây ra sự bất bình đẳng giữa hàng gia công xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu.
Đồng thời, quy định trên cũng buộc DN phải nộp thuế giá trị gia tăng ngay (nếu chậm nộp phải phạt hoặc tính lãi) nhưng khi xuất khẩu xong thì việc hoàn thuế quá lâu. Thậm chí có công ty đọng vốn 140 tỉ đồng, trong khi tiền lãi vay ngân hàng trong thời gian chậm hoàn thuế DN cũng phải chịu.
Đại diện nhiều công ty cũng đề nghị Chính phủ sớm triển khai gói hỗ trợ phục hồi DN và gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm cho người lao động nằm trong gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng. Đặc biệt, cần triển khai ngay gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022 để DN đỡ khó khăn.
Không có tiền mua cá, tôm… từ nông dân
Trong hai năm qua, thủy sản Việt Nam duy trì được năng lực cạnh tranh, nằm trong top 3 sau Trung Quốc và Na Uy về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Riêng trong bảy tháng đầu năm nay, xuất khẩu đạt 6,7 tỉ USD, tăng 35% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, các đơn vị trong ngành đang đối diện với không ít thách thức. Cụ thể, chi phí sản xuất tăng cao đáng lo ngại khiến cho giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh. Ví dụ, với thức ăn chăn nuôi, trung bình hiện nay đã tăng khoảng 20% so với trước.
Chi phí vận tải biển và nhân công tăng trong hai năm qua và hiện nay vẫn đang giữ ở mức cao. Các chi phí đầu vào khác như bao bì, hóa chất, vận chuyển, hội nhập… đều tăng.
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ nhằm giảm chi phí cho cộng đồng DN, trong đó có thủy sản, đặc biệt là về giá thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, tín dụng đang bị siết lại khiến nhà xuất khẩu không có tiền để trả ngay cho ngân hàng, mà không trả khoản vay cũ thì các ngân hàng không cho vay khoản vay mới, dẫn đến không thu mua được cá, tôm của nông dân. Mong Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo giúp giải quyết vấn đề trên.
Ông NGUYỄN HOÀI NAM,Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản