CSGT cần cải thiện hình ảnh trước dân

Trước hết, tôi chân thành cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã mở diễn đàn về các vấn đề xung quanh câu chuyện, hình ảnh, cách nghĩ của xã hội về CSGT - một vấn đề mà tôi cho rằng rất nhiều người quan tâm và muốn bày tỏ. Đặc biệt hơn, tòa soạn cũng “mở lời” để bạn đọc có thể nói hết những suy nghĩ của mình, dù là trái chiều, khó nghe. Do vậy, tôi cũng không ngại chia sẻ suy nghĩ, quan điểm của mình xung quanh vấn đề này. Dưới đây là những tình huống mà tôi đã từng gặp.

Nếu không gợi ý chung chi thì ai dám đưa tiền?

Là người hay sử dụng xe máy, nhiều lần tôi dùng phương tiện này di chuyển đường dài liên tỉnh và không ít lần vô tình tôi vi phạm giao thông. Có ít nhất hai lần tôi vô tình “dính” lỗi lấn tuyến khi từ miền Tây lên TP.HCM và ngược lại ở khu vực này.

Lần thứ nhất khi từ miền Tây lên TP.HCM, đến một đoạn đường thì có một xe tải đang dừng sát lề bên phải (dành cho xe máy). Sau khi chạy lấn tuyến một đoạn, tôi và hàng loạt xe khác còn đang chạy trên làn đường này theo quán tính thì bị CSGT tuýt còi. Sau khi chào hỏi chiếu lệ và yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ, vị CSGT nói tôi vi phạm lỗi lấn tuyến và “dọa” giữ giấy tờ xe của tôi một tuần, sau đó tôi mới được trở lại làm việc (đóng phạt). Tuy vậy CSGT cũng rất “tốt bụng” khi hỏi thăm tôi đi đâu, làm gì và gợi ý tôi liệu có muốn “nộp phạt tại chỗ” để tránh phiền phức do khỏi phải đi lại sau đó hay không.

Quan sát thực tế, tôi thấy hầu như tất cả người bị lỗi như tôi khi ấy đều chọn giải pháp “nộp phạt tại chỗ”, tức là đưa tiền “bồi dưỡng” cho CSGT mà không xé biên lai. Vì vậy, tôi cũng chọn giải pháp này như một quán tính để mình khỏi bị phiền phức.

Lần thứ hai là mới đây, trên đường từ TP.HCM về miền Tây tôi cũng bị “dính” lỗi nói trên tại khu vực này (chiều ngược lại). Tương tự lần trước, vị CSGT chào hỏi qua loa, xem giấy tờ của tôi và săm soi giấy phép lái xe. Bất ngờ vị CSGT hỏi tôi giấy phép này do tôi tự thi hay ai thi hộ. Tôi trả lời mình tự thi thì vị CSGT hỏi tôi muốn về quê nhanh gọn hay không, nếu muốn thì “nộp phạt tại chỗ” 300.000 đồng, không muốn thì chịu tạm giữ giấy tờ, tuần sau trở lại giải quyết.

CSGT giúp người bị nạn đưa đi cấp cứu tại quận 2, TP.HCM. Ảnh: Mai Hữu

Ở đây tôi không đi sâu vào lỗi vi phạm giao thông cũng không nêu rõ thời gian, địa bàn tôi vi phạm mà chỉ muốn đề cập đến cách hành xử của CSGT. Nếu bạn là người ở tỉnh xa đang trên đường về nhà cho kịp, hẳn bạn có muốn mất thời gian chờ đợi một tuần rồi phải quay lại hàng trăm cây số để nộp phạt? Liệu khi đó bạn có “đôi co” với CSGT, yêu cầu họ ra biên bản vi phạm đúng quy định? Hay bạn phải chấp nhận bấm bụng trước giải pháp mà CSGT gợi ý?

Cho nên nói đi thì cũng phải nói lại, về phía người vi phạm đúng là có tâm lý muốn việc nộp phạt sao cho nhanh, gọn, khỏi tốn thời gian nhưng nếu CSGT không gợi ý chung chi thì liệu người dân chúng tôi có dám? Nếu CSGT làm nghiêm thì thử hỏi lần sau ai còn dám đưa tiền?

Cuối cùng, thú thật tôi rất không đồng tình cách quy chụp của nhiều người, trong đó có báo chí. Xưa nay, cứ nhân có chuyện CSGT ở nơi này nơi kia tiêu cực bị trương lên mặt báo thì nhiều người lập tức quy chụp lực lượng CSGT này nọ. Trong hàng ngũ cán bộ, công chức, viên chức có người giỏi, có người dở, có người tốt, người chưa tốt, CSGT cũng không ngoại lệ. Nhưng nếu cứ xâu chuỗi vài câu chuyện CSGT làm sai rồi quy kết cả ngành CSGT không tốt là điều rất không công bằng.

Mặt khác, để người dân nghĩ tốt về mình, tôi nghĩ CSGT cũng cần phải cải thiện hình ảnh của mình. Hãy thể hiện cho người dân thấy hình ảnh một chiến sĩ công an nhân dân tận tâm, thân thiện, đóng vai trò hướng dẫn, giáo dục kiến thức, luật giao thông nhiều hơn là “núp lùm”, chăm bẳm xử phạt và “gợi ý giúp đỡ” trước vi phạm của người dân.

CHÁNH TÂM (Trà Vinh)

Đừng đặt CSGT vào thế khó!

Ai trong tất cả chúng ta khi tham gia giao thông mà chưa từng bị CSGT dừng xe khi vi phạm? Tôi cá rằng chắc ai cũng từng bị CSGT thổi phạt. Các vi phạm này chủ yếu là lấn tuyến, chạy quá tốc độ, quên mở đèn tín hiệu khi cua, quẹo… Và khi bị CSGT dừng xe, chúng ta luôn đưa ra nhiều lý do để giải thích với mong muốn được xử nhẹ hoặc được tha. Chúng ta hoặc bỏ tiền ra để được tha, hoặc nhờ một ai đó đủ khả năng tác động đến lực lượng CSGT để chúng ta được tha. Tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều lần, khi bị CSGT dừng xe hầu như nhiều người đều phản ứng khá giống nhau là xuống nước xin xỏ hoặc điện thoại cho ai đó để cầu cứu. Nếu bạn là CSGT trong trường hợp nêu trên thì bạn phải làm gì?

Riêng với tôi, nếu chẳng may bị thổi phạt, tôi làm đúng với những gì mà CSGT yêu cầu. Dù bị xử phạt, bị giữ bằng lái hay giam xe thì tôi cũng chưa bao giờ có ý định xin xỏ để được tha. Bởi tôi nghĩ đơn giản mình vi phạm thì mình phải chịu chế tài của pháp luật, sau những lần đó, tôi sẽ rút kinh nghiệm để không vi phạm nữa.

Lần nọ, tôi và người bạn chạy xe trên quốc lộ hướng TP.HCM về Long An bằng xe máy. Khi vừa đổ dốc một cây cầu, bất ngờ CSGT xuất hiện và ra tín hiệu cho xe tấp vào lề để kiểm tra giấy tờ. Sau khi kiểm tra giấy tờ xe thấy hợp lệ, một chiến sĩ CSGT thông báo cho chúng tôi lỗi lấn tuyến.

Tôi ngạc nhiên vì tuyến đường đó không có để biển cảnh báo rằng xe máy không được lấn tuyến. Với lại, theo hiểu biết của tôi khi trên đường có vạch vôi đứt thì xe có quyền lấn tuyến khi bên trong có chướng ngại vật, sau khi vượt qua chướng ngại vật thì trở lại làn đường đúng quy định… Tôi chưa kịp hỏi tại sao không có biển cảnh báo cũng như vạch vôi thể hiện xe máy không được lấn tuyến thì bạn tôi nhanh tay rút ra tờ 200.000 đồng dúi cho CSGT. Thế là chúng tôi được cho đi…

Tôi nghĩ rằng trong xã hội ở bất cứ lĩnh vực nào cũng có tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Lực lượng CSGT cũng vậy, có người thực hiện tốt, có người làm chưa nghiêm điều lệnh, quy định của ngành. Đối với những trường hợp sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm để chấn chỉnh trong toàn ngành, những cá nhân hoàn thành xuất sắc nên có chế độ khen thưởng, động viên, lấy đó làm tấm gương điển hình.

Với những CSGT ngang nhiên vòi vĩnh tiền “mãi lộ”, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh bằng nhiều biện pháp như tố cáo trực tiếp với cơ quan chức năng, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí… Cuối cùng, chúng ta không nên tiếp tay cho cái xấu, chấp nhận chung chi cho CSGT để được tha.

CHÂU PHẠM (Long An)

Bất ngờ được tha khi chở ba “qua trạm”

Chuyện xảy ra cũng đã lâu rồi nhưng mỗi lần nhắc lại chúng tôi vẫn còn cảm động sâu sắc trước xử sự của người CSGT với chúng tôi lúc đó. Khi đó tôi đang là sinh viên đại học trọ ở Thủ Đức. Một hôm, có hai người bạn thân của tôi ra thăm. Bạn tôi hớn hở báo tin mới được nhà mua cho chiếc xe máy Trung Quốc để bạn đi làm thêm và đi học cho đỡ phần vất vả. Hào hứng quá, chúng tôi rủ nhau đi uống nước và… chở ba trên chiếc xe mới tinh ấy với suy nghĩ mình chỉ đi một đoạn ngắn chắc không sao.

Xe chạy gần tới ngã ba Đài liệt sĩ rẽ vào đường Bình Quới - Thanh Đa, chúng tôi sựng người vì một nhóm CSGT đang đứng ngay trước mặt. Họ đang nhìn xe chúng tôi từ từ trờ tới. Nghĩ tới viễn cảnh đen tối bị phạt tiền, bị giam xe…, ba đứa sợ hãi không nói nên lời. Thế là không nói không rằng, tôi tự động nhảy xuống khỏi xe rồi trốn vào quán nước nấp ở đó. Còn hai người bạn của tôi thì run rẩy chậm chậm chạy tiếp. Xe của bạn tôi bị nhóm CSGT “vịn” lại, họ nói gì đó rồi bạn tôi quay xe lại tìm tôi, bạn nói mấy chú CSGT bảo tôi đến gặp. Lúc ấy, trong lòng tôi lại càng hoảng sợ...

Thế rồi một chú CSGT lớn tuổi nhất trong nhóm, ước chừng gần 50 tuổi, đi ra gặp tôi. Và điều tôi không tin được là chú mỉm cười nhẹ nhàng: “Đừng sợ! Mấy chú có làm gì đâu mà đứa nào đứa nấy hoảng sợ xanh mặt vậy?”. Chú bảo tiếp: “Con trèo xuống lúc xe đang chạy trên đường đông như vậy là rất nguy hiểm, không nên làm như thế”. Rồi chú bảo tôi và các bạn đi tiếp sau khi nhắc nhở lần sau mấy đứa nhớ đừng chở ba, nhớ đừng vi phạm luật giao thông, vừa không an toàn cho mình vừa cho người khác.

Ba chúng tôi chỉ biết cám ơn rối rít rồi lên xe. Trong lòng đứa nào cũng xúc động rưng rưng. Hai người bạn của tôi quả quyết chú cảnh sát ấy chắc hẳn là một người bố rất đỗi tâm lý với con cái trong nhà. Sự nhân ái và thông cảm của người CSGT mà chúng tôi chẳng kịp nhớ tên đã giúp chúng tôi thoát cảnh ngặt nghèo khiến chúng tôi ấn tượng sâu sắc và biết ơn vô cùng. Lời nhắc nhở nhẹ nhàng ấy với tôi và những người bạn của mình còn có giá trị và khó quên hơn nhiều so với những hình phạt khô khan cứng nhắc dù đúng pháp luật.

HUỲNH NGUYÊN, chung cư 135 lô Y Ngô Gia Tự,
quận 10, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới