CSGT đối phó với lái xe say rượu

Trung tá Nguyễn Trọng Sơn, Phó Trưởng phòng PC08, cho biết trong 10 tháng đầu năm 2018, CSGT TP.HCM đã có nhiều biện pháp xử lý kiên quyết những tài xế sử dụng rượu bia vượt quá quy định cho phép.
Qua đó đã xử lý 22.207 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó có 1.019 trường hợp tài xế ô tô và 21.188 trường hợp tài xế xe máy, chiếm 5% tổng số vi phạm được xử lý trong 10 tháng qua.

Trung tá Nguyễn Trọng Sơn, Phó Trưởng phòng PC08, nhìn nhận về việc xử lý người vi phạm nồng độ cồn.

Nhìn nhận lại sự việc bà Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, ngụ quận 12) lái xe trong tình trạng say rượu với nồng độ cồn lên đến 0.94 mg/lít khí thở và tông liên hoàn hàng loạt xe, Trung tá Sơn cho biết CSGT còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn.
“Dù CSGT đã tăng cường xư lý nhưng thực tế con số xử phạt vẫn chiếm tương đối thấp trong tình hình hiện nay” - Trung tá Sơn nói.
Theo ông, nguyên nhân chính là do ý thức của người tham gia giao thông, do thói quen giao tiếp và nhu cầu sinh hoạt của người dân hằng ngày đều có liên quan đến rượu bia. Thói quen này chiếm tỉ lệ rất cao.
Vì vậy, cần phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để kiểm soát người điều khiển xe sử dụng rượu bia. Làm sao dần thay đổi thói quen sử dụng rượu bia của người dân khi giao tiếp, mà xem rượu bia là mối nguy hại.

Sau vụ tai nạn kinh hoàng ở Hàng Xanh, CSGT TP.HCM đã lập nhiều chốt xử lý lái xe uống rượu bia. Ảnh: L.THOA

“Trong quá trình xử lý, nhiều người vi phạm kéo dài thời gian, không chấp hành, không ký tên vào biên bản, tìm cách tránh né, trình bày nhiều lý do khách quan. Có người có lời nói, thái độ xúc phạm đến lực lượng CSGT, thậm chí hành hung, chống người thi hành công vụ…” - Trung tá Sơn nhìn nhận.
Ông khẳng định CSGT đã phải phối hợp với cảnh sát hình sự, cơ động, phản ứng nhanh, công an phường/xã để kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn. CSGT cũng được tập huấn để xử lý linh hoạt mọi tình huống.
Vị phó trưởng Phòng PC08 cũng thông tin có trường hợp tài xế dùng rượu bia gây tai nạn rồi rời bỏ khỏi hiện trường. Lúc này, CSGT sẽ tìm cách truy đuổi, nếu kịp sẽ dùng máy đo nồng độ cồn để kiểm tra hoặc đưa tài xế vào bệnh viện kiểm tra máu.
Còn trường hợp không thấy “tăm hơi” thì CSGT đành lấy lời khai những người chứng kiến, trích lại camera hiện trường và những đoạn đường mà phương tiện có khả năng đi qua vào thời điểm gây tai nạn. Sau khi xác định được biển số xe thì tìm chủ sở hữu, người điều khiển xe gây tai nạn, dựng lại hiện trường để xử lý theo quy định.
 

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, có quy định cụ thể nghiêm cấm người điều khiển ô tô, máy kéo mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

- Phạt tiền 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) 1-3 tháng, tạm giữ xe bảy ngày nếu người điều khiển ô tô có nồng độ cồn dưới 50 mg/100 ml máu hoặc dưới 0,25 mg/lít khí thở.

- Phạt tiền 7-8 triệu đồng, tước GPLX 4-6 tháng, tạm giữ xe bảy ngày, nếu người điều khiển ô tô có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.

- Phạt tiền 16-18 triệu đồng, tước GPLX 4-6 tháng, tạm giữ xe bảy ngày, nếu người điều khiển ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

Đối với lái xe máy, nghiêm cấm người điều khiển xe máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc có 0.25 mg/ lít khí thở.

- Phạt tiền 1-2 triệu đồng, tước GPLX 1-3 tháng, tạm giữ xe bảy ngày, nếu người điều khiển xe máy có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.

- Phạt tiền 3-4 triệu đồng, tước GPLX 3-5 tháng, tạm giữ xe bảy ngày, nếu người điều khiển xe máy có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm