Ngày 9-12, nhiều doanh nghiệp vận tải phản ánh với lãnh đạo Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, Bộ GTVT và Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67, Bộ Công an) hiện vẫn còn tồn tại suy nghĩ “xe lớn có lỗi” trong các vụ tai nạn giao thông (TNGT). Cụ thể, ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM “cáo buộc” nhiều CSGT khi giải quyết TNGT đã không xem xét lỗi thấu đáo mà cứ tạm giữ xe ô tô.
Va quẹt, tự thỏa thuận
Không chỉ phạt xe lớn, CSGT còn tập trung kiểm tra các lỗi “nhỏ” của người đi xe gắn máy như bật xi nhanh, kính chiếu hậu. Ảnh: MP
Trả lời, Đại tá Phạm Minh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) khẳng định: “Đấy là quan niệm từ xa xưa của người tham gia giao thông nhưng hiện nay pháp luật không quy định điều đó, tức không có chuyện “bắt lỗi” xe lớn”.
Theo ông Tuấn, công an là cơ quan hành pháp, chỉ thực thi những vấn đề gì pháp luật quy định. Trong khi đó, theo Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự và Luật Xử phạt vi phạm hành chính thì CSGT không có quyền hành thay tòa án, tạm giữ xe để ép xe lớn bồi thường xe nhỏ. “Những vụ tai nạn giao thông mà thương tích không quá 31%, hậu quả không quá 5 triệu thì CSGT để hai bên tự thỏa thuận. Trong vòng bảy ngày nếu hai bên không tự thỏa thuận được thì ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (chạy tốc độ nhanh, lấn trái đường, người đi bộ đi không đúng…) và trả xe nhưng hậu quả không giải quyết” - Đại tá Tuấn giải thích.
Lúc này, người nào muốn giải quyết hậu quả, đòi bồi thường thì làm đơn gởi tòa án nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi mình cư trú. “Trước đây CSGT thay tòa nhưng nay không còn nữa. Bây giờ, CSGT chỉ kết luận bên này lỗi chính hay lỗi phụ. TNGT không đơn thuần như vụ giết người vì nhiều trường hợp, người chết do TNGT cũng có lỗi. Tôi là cựu CSGT của TP.HCM những năm sau giải phóng và lúc đó, pháp luật chưa hoàn chỉnh nên có xảy ra ứng xử như vậy nhưng hiện giờ điều đó không còn xảy ra. Cho nên các vị cần nghiên cứu kỹ, nếu chỗ nào giữ xe sai thì khiếu nại” - ông Tuấn hướng dẫn.
Tai nạn nghiêm trọng phải giữ xe
Các vụ TNGT nghiêm trọng thì xe có lỗi hay không đều bị tạm giữ, làm căn cứ xác định lỗi. Ảnh: MP
Còn những vụ TNGT gây ra thương tích từ 31% trở lên thì trong vòng sáu ngày, đến ngày thứ 7 chuyển sang cơ quan CSĐT. Nhưng tại sao phải tạm giữ phương tiện?
Ông Tuấn trả lời, khi muốn phân tích lỗi phải kiểm tra dấu vết xe máy, ô tô. Đây là nghiệp vụ điều tra bắt buộc phải có, là căn cứ quan trọng cho kết luận bên nào đúng, bên nào sai. “Khi chuyển sang cơ quan CSĐT thì tất nhiên phải có phương tiện (để kiểm tra dấu vết) và khi chuyển sang tòa thì tòa bắt buộc phải giữ nguyên. Chúng tôi cũng đề nghị nếu tạm giữ xe thì “mở ra”, căn cứ trên hình ảnh, qua khám nghiệm tỉ mỉ, chụp hình ảnh dấu vết nhưng có tòa không chấp nhận” - vị Cục phó C67 phụ trách các tỉnh phía Nam giải thích.
Theo đại tá Tuấn, pháp luật đã quy định nên dù CSGT không muốn cũng không thể làm khác. Ông nói tiếp: “Nếu nói “bảo hộ” cho người đi xe đạp, người đi bộ thì cũng không đúng. Vì ở các tỉnh thành phía Nam đã truy cứu trách nhiệm hình sự 22 vụ TNGT (trong đó TP.HCM có năm vụ) do người đi bộ băng qua làm người đi xe gắn máy tông vào va đầu xuống đường”.
Theo thống kê, ngành kinh doanh vận tải bằng ô tô gây tai nạn cao nhất chỉ 22-25%, trong khi xe gắn máy từ 70-75%. Nhưng tại sao ngành vận tải được quan tâm nhiều? “Vì hoạt động của ngành vận tải mỗi khi gây TNGT làm chết cả chục người, còn xe máy thường làm chết một người, cùng lắm là bốn người thôi. Vận tải gây chết cả chục người nên rất bức xúc là vậy”.
Do vậy, ông cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cần có bộ phận pháp chế nghiên cứu các quy định của pháp luật để hướng dẫn, phổ biến cho lái xe. Điều này đảm bảo tài xế khi lưu thông còn nắm bắt các quy định chứ hiện nay, nhiều lái xe mù tịt thì sao mà tuyên truyền để họ mà tuân thủ các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông được.