Ngày 4-11, thông tin từ Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương cho biết nơi đây vừa thực hiện ca đại phẫu ung thư dạ dày cho bệnh nhân là cụ bà NTB (81 tuổi). Trước đó, bệnh nhân đã điều trị chứng trào ngược dạ dày nhiều ngày nhưng không hiệu quả. Sau khi nhập viện, các BS BV Nguyễn Tri Phương chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư dạ dày vùng hang môn vị, cần phẫu thuật.
BSCKI Hồ Văn Phước, khoa Ngoại tiêu hóa BV Nguyễn Tri Phương, cho biết đã áp dụng quy trình ERAS (hồi phục sớm sau phẫu thuật) để phẫu thuật cho bệnh nhân.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân 81 tuổi bị ung thư dạ dày vùng hang môn vị. Ảnh: BVCC |
ERAS được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ đầu những năm 2000, mục đích tối ưu hoá tình trạng bệnh nhân trước, trong và sau phẫu thuật. Từ đó giảm thiểu các tác động do phẫu thuật, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Trong ca phẫu thuật kéo dài bốn giờ, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi cắt bán phần dưới dạ dày có khối u, nạo sạch các hạch di căn. BS Phước cho hay, mặc dù trải qua một ca đại phẫu nhưng trong vòng 24 giờ sau mổ, bệnh nhân đã ngồi dậy được, uống nước, ăn cháo và tập đi lại. Ngày thứ ba sau mổ, bệnh nhân được xuất viện (bình thường có thể phải nằm viện bảy ngày trở lên).
TS-BS Lê Huy Lưu, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, cho hay theo truyền thống, nhiều quan điểm cho rằng khi thực hiện các ca phẫu thuật liên quan đến hệ thống tiêu hóa, bệnh nhân phải nhịn ăn, nhịn uống. Tuy nhiên, việc đó sẽ làm chậm quá trình phục hồi của bệnh nhân, đặc biệt là người lớn tuổi. Với quy trình ERAS, bệnh nhân vẫn được ăn uống trước phẫu thuật bình thường” - BS Lưu chia sẻ.
"Khi có các biểu hiện như ăn uống kém, chán ăn; khó chịu hoặc đau ở bụng; chướng hơi dạ dày sau khi ăn; toàn thân người mệt mỏi, giảm khả năng lao động; da xanh, niêm mạc nhợt… cần đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán sớm các bệnh lý liên quan, đặc biệt là ung thư dạ dày.
Nếu được chẩn đoán sớm, thời gian sống thêm sau phẫu thuật của bệnh nhân ung thư dạ dày trên năm năm từ 80-90 %. Nếu chẩn đoán muộn, thời gian sống thêm sau mổ trên năm năm chỉ vào khoảng 10-15 % - BS Lưu khuyến cáo.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày
Chế độ ăn giàu thức ăn mặn và hun khói, thực phẩm bị nhiễm nấm mốc aflatoxin, ăn ít trái cây và rau quả; tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày; nhiễm Helicobacter pylori; viêm dạ dày mạn tính; thiếu máu ác tính; hút thuốc; polyp dạ dày.